Thứ Tư, 11 tháng 12, 2013

Địa ngục qua cái nhìn Duyên khởi





Thiền sư Bạch Ẩn ngày còn nhỏ rất sợ địa ngục.

Một lần, Nichigon Shonin, cao tăng thuộc phái Nhật Liên, đã đến giảng tại ngôi chùa thuộc địa phương Đại sư đang ở.

Khi nghe diễn tả thật chi tiết về những nỗi khổ trong tám tầng địa ngục, ông rúng động. Cả người run bắn. Đêm đó, nằm trong vòng tay mẹ, ông không sao ngủ được và khóc cả đêm.

Bà mẹ vẫn có thói quen bắt người hầu gái phải đun nước thật sôi để tắm cho con trai. Cô phải châm củi liên tục cho đến khi lò lửa cháy bùng... Ông đã sợ hãi và thét lớn khi thấy những vệt lửa bắn ra từ chậu tắm. “Con không thể nào đi vào bồn tắm mà không sợ hãi khi nghĩ đến lúc con phải vào trong hỏa ngục, bị đốt cháy trong đó. Con phải làm sao bây giờ? Có cách nào tránh được điều đó không? Hay cứ phải ngồi chờ cho tới khi cái chết đến? Con muốn biết con phải làm gì? Mẹ phải cứu con”.[1] Để yên lòng con trai, bà đã dạy ông kính lễ vị thần của đền Kitano và tụng bộ kinh Tenjin. Ông thực hành rất nghiêm túc. Đó là bước đầu vào đạo của Đại sư Bạch Ẩn.

Một lần, có sự cố nhỏ xảy ra trong gia đình, ông đã cầu cứu đến vị thần của đền Kitano, nhưng không giải quyết được việc gì. Ông nhận ra con đường mẹ dạy không thể cứu ông thoát khỏi địa ngục. Ông chuyển qua tụng kinh Phổ Môn và hành thiền, là con đường mà theo Đại sư, mới có thể giúp ông thoát khỏi địa ngục đang chờ đón mình phía trước.

Địa ngục có hay không? 

Địa ngục chẳng phải có chẳng phải không
Trong các bài kinh thuộc hệ A Hàm hay kinh Đại Bát Niết Bàn v.v… Phật có nói đến địa ngục. Đề Bà Đạt Đa, Tì kheo Thiện Tinh, vua Lưu Ly v.v… đều đọa vào địa ngục ngay khi chết. Trong kinh Địa Tạng Bồ-tát Bản Nguyện, Quỉ vương Vô Độc cũng trả lời thánh nữ dòng Bà-la-môn là “Thật có địa ngục”.  

Tùy theo tướng trạng hành hình mà địa ngục có vô số danh xưng khác nhau và nằm trong núi Thiết Vi. Lớn thì có 18 chỗ. Kế thì có 500 chỗ. Kế nữa có đến nghìn trăm chỗ với nhiều danh hiệu khác nhau: “Có địa ngục tên là Dương Đồng, có địa ngục tên là Bảo Trụ, có địa ngục tên là Lưu Hỏa… Có vô số các tên gọi như thế”. “Thưa nhân giả, hoặc có địa ngục kéo lưỡi người tội ra mà cho trâu cày trên đó, hoặc có địa ngục moi tim người tội ra cho quỉ Dạ Xoa ăn. Hoặc có địa ngục vạc dầu sôi sùng sục… ”.[2]

Dù kinh luận đã xác nhận có địa ngục, với chỗ nơi, tên gọi, tướng trạng và số nhiều vô kể như thế nhưng điều đó không có nghĩa là thật có một địa ngục với bản chất thường hằng, là có tội nhân hay không có tội nhân, địa ngục vẫn tồn tại. Không phải.

Địa ngục là pháp duyên khởi. Nó chịu sự chi phối của lý Nhân duyên. Nên nó phụ thuộc vào chúng sinh gây tạo ác nghiệp. Có chúng sinh gây tạo cái nhân địa ngục mới có địa ngục xuất hiện. Không có chúng sinh gây tạo ác nghiệp thì địa ngục hoàn không.

Bồ-tát Long Thọ nói: “Pháp do nhân duyên sinh / Ta nói tức là không”.[3] Không, là không có tự tánh. Lìa tự tánh tức vô sinh.[4] Thành tuy thấy địa ngục có hình có tướng như thế mà tánh vốn thường không.

Cho nên, tuy kinh luận xác định địa ngục là có, nhưng là cái có trong vòng nhân duyên, nhân quả. Không có thực tánh. Địa ngục chỉ có với những ai đã gây tạo cái nhân địa ngục. Không có với những ai không gây tạo cái nhân địa ngục. Hoặc đã gây tạo mà biết chuyển tâm sám hối tu hành thì địa ngục liền không.

Không tạo cái nhân địa ngục mà vẫn thấy địa ngục hoặc vào được địa ngục là do sức oai thần của nguyện lực. Kinh nói: “Nếu không phải sức oai thần thì cần phải do nghiệp lực. Ngoài hai điều ấy ra, ắt không bao giờ đến được đó”.[5]

Hỏi: Nói vô sinh là nghĩa lý gì?
Đáp: Vô sinh, là nghĩa tất cả pháp đều từ tâm sinh, không có thứ gì có cội gốc của riêng nó. Ngày nay các nhà vật lý hiện đại đang đi tìm hạt cơ bản, là đi tìm cái gốc tối cùng từ đó phát sinh vạn vật v.v… Bảo đảm, không thể nào tìm ra cái gọi là hạt cơ bản đó. Vì tất cả đều là duyên sinh, đều là sở hiện của tự tâm, chỉ do bất giác mà có. “Tâm sinh thì tất cả pháp sinh. Tâm diệt thì tất cả pháp diệt”.[6] Như ngủ rồi mộng, tuy thấy mọi thứ có hình, có tướng, có khổ, có lạc, có tới, có lui mà chỉ là mộng tưởng, do sức ngủ vô minh mà có, không có chất thật. Ngay khi mộng thấy như có mà tánh vẫn thường không. Tỉnh mộng liền dứt.

Nói theo tinh thần của Trung Luận thì địa ngục chẳng phải có chẳng phải không. Chẳng phải có, vì tự thể vốn không. Chẳng phải không, vì nhân duyên hội ngộ in tuồng như có. Thể của vọng vốn rỗng, thành có mà chẳng phải có. Không mà chẳng phải không, vì mê tình chưa dứt, không thể nói không.[7]        

Nhân duyên khiến chúng sinh chiêu cảm cảnh giới địa ngục
Trong kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện, có nêu ra những hành nghiệp khiến chúng sinh chiêu cảm quả báo địa ngục:
1/ Không hiếu thảo với cha mẹ.
2/ Giết hại cha mẹ.
3/ Có tâm ác làm thân Phật chảy máu.
4/ Khinh chê ngôi Tam bảo.
5/ Không kính trọng kinh điển.
6/ Xâm tổn của thường trụ.
7/ Ô phạm đến Tăng Ni.
8/ Tư tình làm sự dâm loạn trong chốn già lam thanh tịnh.
9/ Giả làm Tăng Ni, lạm dụng của thường trụ, trái phạm giới luật, gạt gẫm hàng bạch y, tạo nhiều tội ác.
10/ Không cho mà lấy đồ ăn, thức uống, vật dụng, y áo, thuốc men v.v… của thường trụ.

Trong 10 điều trên, ngoài tội bất hiếu và giết hại cha mẹ, còn lại đều có liên quan đến Tam bảo và ngôi Già lam.

Trong bài thơ nói về địa ngục của thi hào Dante, phần địa ngục cấp một của ông, dành cho những người không chịu rửa tội và những kẻ vô thần mà có đức hạnh.[8] Có lẽ do hai chữ “đức hạnh” mà địa ngục cấp một của ông chưa có sự hành hình. Do thiếu đức tin nên coi như ở địa ngục chuẩn bị.

Đây thì không như vậy. Bởi không qui y Tam bảo, mà sinh hoạt đời thường của mình phù hợp với năm giới của phật tử tại gia thì cuộc sống của mình vẫn khả quan. Vì theo luật Nhân quả mà vận hành. Vẫn hưởng được sự tốt đẹp do những thiện nhân mình đã gây tạo. Chỉ khi khởi tâm khinh chê Tam bảo mới đọa vào địa ngục.

Vì sao khởi tâm khinh chê thì bị đọa? Vì Phật pháp dạy con người hoàn thiện bản thân để có đời sống hiện tại an vui và quả báo tốt đẹp ở đời sống kế tiếp. Cũng dạy chúng sinh giải thoát mọi khổ đau, nhận ra chân lý… Khi chúng ta thiếu đức tin hay phỉ báng lại những điều đó chính là đang chống lại thiện nghiệp của mình. Đó là cái nhân khiến ta qui hướng ác đạo. 

Trong địa ngục, có phần dành cho cả những vị trong ngôi Tam bảo nhưng không phải là Tăng bảo mà là Tăng giả danh. Nói “giả”, khiến mình liên tưởng đến những “phạm trù” mà trong đó chất lượng không đi đôi với tên gọi hay quảng cáo trên bao bì.

Để phân biệt giữa Tăng bảo và người đời, ngoài hình tướng được trang bị để phân biệt (y áo hạn chế trong vài màu và đầu không có tóc) thì giới luật, định lực cũng như trí tuệ của chư vị chính là thứ khiến chư vị được gọi là Tăng bảo.

Giả, nghĩa là áo quần trang bị bên ngoài thì có mà giới định tuệ bên trong thì không. Kinh Pháp Diệt Tận nói: “Về sau, khi pháp của ta sắp diệt, nơi cõi ngũ trược này, tà đạo nổi lên rất thạnh. Lúc ấy có những quyến thuộc ma vào làm Sa-môn để phá rối đạo pháp của ta. Họ mặc y phục như thế gian, ưa thích áo cà-sa năm sắc, ăn thịt uống rượu, sát sanh, tham trước mùi vị, không có từ tâm tương trợ, lại ganh ghét lẫn nhau ... Lúc ấy có nhiều kẻ nô tỳ hạ tiện xuất-gia làm Tăng Ni, họ thiếu đạo đức, dâm dật, tham nhiễm, nam nữ sống lẫn lộn, Phật pháp suy vi chính là do bọn này. Lại có những kẻ trốn phép vua quan, lẫn vào cửa đạo, rồi sanh tâm biếng nhác không học không tu. Đến kỳ tụng giới trong mỗi nửa tháng, họ chỉ lơ là gắng gượng, không chịu chuyên chú lắng nghe. Nếu có giảng thuyết giới luật, họ lược bỏ trước sau, không chịu nói ra hết. Nếu có đọc tụng kinh văn, họ không rành câu, chữ, không tìm hỏi bậc cao minh, tự mãn cầu danh, cho mình là phải. Tuy thế, bề ngoài cũng ra vẻ đạo đức, thường hay nói phô, để hy vọng sự cúng dường. Các Tì kheo ma này sau khi chết sẽ bị đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh trải qua nhiều kiếp. Khi đền tội xong, họ thác sanh làm người ở nơi biên địa, chỗ không có ngôi Tam bảo”.

Kinh Địa Tạng không nói đến định tuệ mà chỉ nói đến giới luật, vì nó là nền tảng thấp nhất mà một Tăng bảo cần có để việc tự lợi và lợi tha được thành công. Không có phần căn bản này làm nền tảng thì không có gì để phân biệt với người đời. Không khác người đời thì không thể gọi là Tăng bảo, cũng không thể đòi hỏi sự kính trọng của người đời.

Khởi tâm khỉnh bỉ, dù là đối với việc đáng khinh, cũng là cái nhân đưa đến cái quả không tốt cho chúng sinh. Là Tăng bảo, đáng nhẽ phải là người điều tiết được thiện đạo cho chúng sinh, trở lại khiến chúng sinh sa vào đường dữ thì đọa địa ngục là tất nhiên. Chưa kể một khi đã giả danh thì không thể tránh được các tội khác như lạm dụng của thường trụ, ô phạm Tăng Ni v.v… Tội lỗi rất nhiều. Tránh sao được cái quả ác đạo. 

Làm cho thân Phật ra máu thì Phật hiện nay đã không còn. Nhưng kinh Đại Tập nói: “Trong đời mạt-pháp, có những vua, quan, cư-sĩ ỷ mình giàu sang quyền thế, sanh tâm khinh mạn, cho đến đánh mắng người xuất-gia. Nên biết những kẻ gây nghiệp ấy, sẽ bị tội đồng với làm cho thân Phật ra máu...”.

Trong các bài kinh thuộc hệ A-hàm, nếu phạm vào ngũ giới của người tại gia là không sát sinh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, uống rượu, thì tùy mức độ và tính chất sai phạm mà đọa vào ba đường dữ.[9]

Thệ nguyện sâu dày của Bồ-tát Địa Tạng
Nhắc đến địa ngục không thể không nhắc đến Bồ-tát Địa Tạng. Bởi những thệ nguyện độ sinh của ngài đều dành cho chúng sinh ở chốn tội khổ.

Trong thân tướng Trưởng giả: Bồ-tát Địa Tạng, trong tiền kiếp khi còn là một vị trường giả, đã gặp được đức Phật Sử Tử Phấn Tấn Cụ Túc Vạn Hạnh Như Lai. Thấy thân tướng đức Phật rực rỡ trang nghiêm, ngài đã hỏi về nhân duyên để có được thân tướng đó.
Khi nghe đức Phật trả lời: “Cần phải trải qua một thời gian lâu xa độ thoát các chúng sinh khốn khổ”, ông đã lập thệ nguyện: “Từ nay cho đến tột số chẳng thể kể xiết ở đời sau, tôi vì những chúng sinh tội khổ trong sáu đường mà giảng bày nhiều phương tiện, làm cho chúng sinh đó được giải thoát hết cả rồi, tự thân mới chứng thành Phật đạo”.

Trong thân tướng vua chúa: Đức Phật Nhất Thiết Trí Thành Tựu Như Lai, khi chưa xuất gia, ngài là vua một nước nhỏ, kết bạn với vua nước lân cận, đồng thực hành Thập thiện nghiệp, làm lợi ích cho chúng sinh.
Do dân trong nước đa phần đều tạo ác nghiệp, nên một vua phát nguyện sớm thành Phật, là Phật Nhất Thiết Trí Thành Tựu Như Lai. Còn vị vua lân cận thì phát nguyện: “Nếu tôi trước chẳng độ những kẻ tội khổ làm cho đều đặng an vui, chứng quả bồ-đề, thời tôi nguyện chưa thành Phật”. Đó là tiền thân của Bồ-tát Địa Tạng.   

Trong thân tướng thánh nữ: Thời đức Phật Giác Hoa Định Tự Tại Vương Như Lai, có người con gái dòng Bà-la-môn, nhiều đời chứa phước sâu dày, thường có chư thiên theo hộ vệ, nhưng người mẹ lại mê tín tà đạo, thường khinh khi ngôi Tam bảo. Dù khuyên nhủ mẹ bao nhiêu, bà vẫn theo nếp cũ mà đi. Chẳng bao lâu sau bà chết, thần thức chiêu cảm cái quả địa ngục Vô gián.

Thánh nữ biết cái nhân mẹ gây tạo không thoát khỏi địa ngục nên chiêm bái tôn tượng đức Giác Hoa, mong biết mẹ thác sinh vào chốn nào. Do lòng hiếu thuận và hạnh đức tu tạo phước lành, cúng dường chùa tháp và cung kính đức Giác Hoa Như Lai mà mẹ cùng các tội nhân khác được thoát khỏi địa ngục, sinh lên Thiên giới. Do nhân duyên đó mà nàng đã phát nguyện: “Tôi nguyện từ nay nhẫn đến đời vị lai, những chúng sinh nào mắc tội khổ, tôi liền lập ra nhiều phương chước làm cho chúng sinh đó được giải thoát”.

Trong thân tướng nữ nhi: Thời Phật Liên Hoa Mục Như Lai, có người con gái tên Quang Mục, do duyên lành gặp được một vị La Hán chỉ bày cho phương cách cứu mẹ đang ở địa ngục. Do nhân duyên đó nàng đã phát nguyện: “Nếu thân mẫu tôi thoát khỏi địa ngục khi mãn mười ba tuổi, không còn bị trọng tội và rơi vào ác đạo nữa thì tôi xin phát nguyện rộng lớn như vầy: Từ nay về sau, đến trăm nghìn muôn ức kiếp, trong những thế giới nào mà các hàng chúng sinh bị tội khổ nơi địa ngục cùng ba ác đạo, tôi nguyện cứu vớt chúng đó làm cho tất cả đều thoát khỏi ba ác đạo”.  

Nhận sự ủy thác của Như Lai: Sau khi được Phật nói cho biết về quá khứ độ sinh nhọc nhằn và lâu dài của đức Phật. Bồ-tát Địa Tạng được phó chúc trách nhiệm độ sinh. Ngài đã rơi lệ mà thưa: “Từ số kiếp lâu xa đến nay, con nhờ đức Thế Tôn tiếp dẫn mà có trí tuệ rộng lớn và được thần lực không thể nghĩ bàn. Con đã phân thân hiện ra cùng khắp trăm nghìn muôn ức hằng hà sa thế giới, trong mỗi thế giới hóa hiện trăm ngàn muôn ức thân, mỗi thân hóa độ trăm ngàn muôn ức người, khiến họ qui kính Tam bảo, khỏi hẳn vòng sinh tử , hưởng vui niết bàn. Những chúng sinh nào, đối với Phật pháp chỉ làm việc lành bằng một sợi lông, giọt nước… con nguyện độ thoát dần khiến  chúng đó được lợi ích lớn”. 

Mọi lời nguyện đều vì chúng sinh tội khổ mà hiện thân cứu giúp. 

Chuyển nghiệp, nhân trong duyên ngoài cần đủ
Chư Phật và Bồ-tát luôn thương tưởng đến chúng sinh, luôn muốn cứu giúp chúng sinh thoát khỏi những khổ não ở thế gian, nhưng chư Phật và Bồ-tát không thể lôi chúng sinh từ bờ khổ qua bờ lạc. Bởi ba thứ thân, khẩu, ý nghiệp của chúng sinh là thứ quyết định hạnh phúc hay đau khổ cho chính họ. Cho nên, dù muốn cứu giúp, chư vị cũng chỉ là người tạo duyên. Còn nhân, phải là của chính chúng sinh đó.

Vì sao phải cần đến nhân trong duyên ngoài như thế? Vì chúng sinh sống trong thế giới mà Nhân duyên Nhân quả là thực lý vận hành chi phối tất cả. Luận Đại Thừa Khởi Tín nói: “Nếu nhân duyên đầy đủ, nghĩa là tự có cái lực huân tập, lại được cái duyên là nguyện từ bi của chư Phật và Bồ-tát hộ trì thì hay khởi cái tâm chán khổ, tin có niết bàn…”. Phải khởi cái tâm chán khổ thì mới có thể tu tập mà chuyển được khổ.

Chịu tin, chịu tu, dù chỉ là tu phước, thì đó cũng là cái nhân giúp chúng sinh chuyển hóa dần hạnh nghiệp của mình. Cũng nương vào nhân đó của chúng sinh, Bồ-tát mới có thể tạo duyên giúp đỡ. Nên nói: “Đối với Phật pháp, chỉ làm việc lành bằng một sợi lông, giọt nước Con đều độ thoát dần”. Luận Đại Thừa Khởi Tín cũng nói: “Tất cả chư Phật và Bồ-tát đều nguyện độ thoát hết thảy chúng sinh, tự nhiên huân tập thường hằng chẳng bỏ.…”.

Trợ duyên độ thoát bằng cách nào? Tùy theo thấy nghe cảm ứng mà hiện làm các nghiệp. Hoặc thấy, hoặc nghĩ, hoặc làm quyến thuộc, cha mẹ, người thân, người giúp việc, bạn hữu, oan gia…[10].

Theo đó thì thấy không phải chỉ gieo duyên với chính Tăng bảo, chùa tháp v.v… chúng sinh mới được độ, mà với vài thiện nghiệp bình thường đối với một người cơ nhỡ thấp hèn, vẫn có thể là cái duyên đối với Phật pháp. Bởi Phật pháp không chỉ có mặt hiển mà còn mặt ẩn, không chỉ có quyền mà còn có thật v.v... Vì thế đừng bao giờ ngừng tạo thiện nghiệp dù chỉ là việc rất nhỏ. Bởi có khi đó là cái nhân cứu mình thoát khỏi địa ngục trong hiện tại và tương lai. 

Có người cho Phật pháp không thiết thực ở mặt cứu người như một số tôn giáo khác, những vị cao tăng ẩn mật tu hành là thiếu tích cực v.v... Đó là vì không thấy được mặt “ẩn mật” của Phật pháp. Kinh Địa Tạng Bản nguyện nói: “Ta phân ra nhiều thân độ thoát những hạn chúng sinh mỗi mỗi sai khác như thế. Hoặc hiện ra thân trai, hoặc hiện ra thân gái… hoặc hiện ra Thiên đế, hoặc hiện ra Tì kheo, Tì kheo ni …[11]. Cũng nói: “Bấy giờ những hóa thân của Bồ-tát Địa Tạng ở các thế giới hiệp chung lại…”. Muốn phân thân thành vô lượng vô biên thân để độ sinh ở vô lượng vô biên cõi nước, đòi hỏi người tu phải chứng nhập lại được pháp thân của mình. Đó là thứ sẳn đủ trong mỗi chúng sinh, chỉ vì mê mà không dụng được. Muốn chứng nhập được phần pháp thân đó, thiện nghiệp không thể chỉ dừng ở mặt phúc thiện (là thứ mà người đời vẫn cho là rất tích cực đối với cái khổ của tha nhân), mà đòi hỏi hành giả phải biết hướng nội thanh lọc thân tâm, trưởng dưỡng định lực, phát huy trí tuệ như nhà thiền hay nói: “Phản quan tự kỷ bổn phận sự. Bất tùng tha đắc”.[12] Cho nên thứ mình thấy tích cực chưa hẳn đã tích cực, thứ mình thấy tiêu cực chưa hẳn là tiêu cực. 

Địa Tạng và Dạ Xoa
Tai ương, hoạn nạn, chết chóc, bất hạnh ngày càng nặng và nhiều ở thế giới này. Nhiều cảnh nhìn vào thấy không khác những gì được diễn tả trong địa ngục. Địa ngục có hay không, thế gian này cũng đã đủ đầy. Đó là do càng ngày, con người càng sa nặng vào ác nghiệp, chạy theo những ham muốn của bản thân, đánh mất niềm tin đối với nhân quả. 

Một cô bé bị tạc acid nói với tôi: “Con nhận ra địa ngục đâu phải chốn nào xa. Tại cái bệnh viện này đã đủ rồi. Ngày nào cũng thấy có người chết, tiếng máy cưa rì rì, tiếng lột da, sự đau đớn, rên la… Trong màu áo trắng thánh thiện của bệnh viện, những con người, có khi chính là Bồ-tát Địa Tạng, xoa dịu nỗi đau cho chúng sinh về cả thân xác lẫn tinh thần. Nhưng cũng chính họ có khi là quỉ Dạ Xoa khiến cho thân tâm bệnh nhân càng thêm bức não, đau đớn. Địa ngục đã có mặt ở thế giới này, đâu chỗ nào xa”.

Không phải chỉ cô bé mới có cái nhìn như thế. Một số người khác, trong đó có tôi, cũng thấy địa ngục không cần phải về tới núi Thiết Vi mới có. Ngay đây, tại thân tâm này, nếu không thể thoát những bức não khổ đau trong chính mình thì không khác ở chốn địa ngục. 

Nói với một người đang bị nạn rằng: “Ông phải chịu như thế vì ông đã gây cái nhân như thế” trong khi họ đang quằn quại đau đớn là việc không nên làm, cũng không thể làm với người có chút từ tâm. Nhưng đó là sự thật mà chúng ta phải nhìn thấy để còn biết mà tránh hầm tránh hố cho đoạn đường hiện tại cũng như tương lai của mình. Không có gì thoát khỏi sự vận hành của Duyên khởi, được triển khai thành Nhân duyên và Nhân quả.

Đã có quả, tất phải có nhân. Nếu có quả mà không nhân thì rơi vào thuyết Vô nhân của ngoại đạo. Nhân đó chính là những gì mình đã tạo ra trong quá khứ. Nói quá khứ là so với cái quả mà mình đã nhận được trong kiếp này. Nó có thể là từ vô lượng vô số kiếp về trước. Cũng có thể là vừa ngay kiếp vừa rồi. Cũng có thể là ngay trong kiếp này, trước khi quả xảy ra. Thành nếu có trách thì nên trách mình trước, trách người sau. Muốn thoát khỏi địa ngục trần gian, cũng phải chuyển tâm trước, cảnh mới chuyển sau. Tâm nếu không chuyển, ba nghiệp nếu không sửa thì đi tới đâu cũng như cú vọ hay quạ đen đổi nơi ở, chẳng thể đổi thay được bao lâu hoàn cảnh xấu ác của mình.  

Qua cái nhìn Duyên khởi, Địa Tạng và Dạ Xoa là những pháp không tánh, chỉ tùy duyên mà hiện khởi. Nguyện của chư Phật vẫn đó, nhưng hạnh nghiệp của chúng sinh nếu quá trược ác cũng không thể nhận được. Thế giới này vốn là thế giới Hoa Nghiêm của mười phương chư Phật, chỉ vì hạnh nghiệp của chúng sinh mà thành Sa-bà với nhiều nẽo luân hồi khổ đau. Bát cơm của thánh Mục Kiền Liên bỗng hóa lửa đó chỉ vì bà Thanh Đề khởi tâm ngạ quỉ tham lam. Cho nên, cần gieo các thiện nghiệp để lời nguyện của Bồ-tát được hiện thành và bóng của Dạ xoa mất đi.

Những gì xảy ra trong thế giới này đều có sự tương quan mật thiết với nhau. Kẻ giết người và người bị giết đều có quan hệ nhân duyên từ trước. Lòng vòng như vòng bánh xe xoay mãi không dừng. Nếu không có niềm tin với nhân quả, không có trí tuệ để phân định thiện ác trong đời sống, cũng như không đủ định tỉnh để dừng đi những nghiệp tập của chính mình, mình sẽ bị lôi vào cái vòng trả vay vay trả với người không biết bao giờ mới thôi.

Tôi không phải là y bác sĩ nhưng tôi có một kinh nghiệm khá quí báu. Nuôi một đứa trẻ. Thân ruột của mình. Một đứa trẻ thiếu chiều cao, số cân và rất biếng ăn. Thật khó mà làm chủ được mình khi nó cứ vùng vằng và hất tung mọi thứ, còn mình thì sức đã đuối, trong khi ăn cho hết bát cháo là việc mình phải làm cho nó.

Một lực gì đó rất mạnh luôn thôi thúc tôi phát vào mông nó mấy cái. Thân ruột mà còn thế. Huống là không thân ruột. Trên báo đài thường trình làng về những cảnh trẻ con bị đánh không thương tiếc mà những kẻ ngoài cuộc như mình luôn ta thán: “Tán tận lương tâm”. Giờ chính mình là  người trong cuộc, mới hiểu thấu vì sao như vậy. Cái lực khởi đó rất mạnh, nếu không phải là người thường xuyên quán tâm (tu Quán) thì khó mà thấy. Thấy rồi, nếu không từng tập dừng tâm (tu Chỉ), cũng khó mà dừng được. Cứ theo nghiệp khởi mà đi…

Tôi đã sám hối hết lòng và hồi hướng những công đức đã tạo trong đời để xóa đi cái lực khởi rất mạnh đó. Cũng là để xóa đi một phần nhân duyên không tốt trong đời sống của mình.

Mới thấy, nếu không có mục đích, sức khỏe, nhẫn lực, trí tuệ, định lực và nhất là tình thương đối với tha nhân, mình rất dễ chạy theo những cái khởi bất thiện mà tạo nghiệp. Khởi thì chỉ một mà nhân duyên để khởi thì vô số. Địa Tạng hay Dạ xoa từ đó mà hiện thành.

Không tánh, nên ngay nơi tướng Dạ xoa, nếu mình có ít nhiều nhẫn lực và sự hiểu biết thì bản thân mình cũng có thể chuyển Dạ xoa thành pháp mầu của mười phương chư Phật. Trong Hoa Nghiêm Thám Huyền Ký, tổ Hiền Thủ nói: “Với Nhất thừa, tam thế gian đều nhập pháp luân. Tất cả ngữ ngôn âm thanh của chúng sinh đều nhập pháp luân”.  Đề Bà Đạt Đa, trong các bộ kinh thuộc hệ A-hàm, là ác tri thức. Trong kinh Pháp Hoa, trở thành thiện tri thức giúp Phật mau thành đạo. Không có pháp nào không phải là Phật pháp ở thế gian này. Chỉ là vì căn lực của mình không đủ để nhận ra điều đó.

Nhân duyên giữa mình và người thuận có nghịch có. Thuận thì mọi thứ vui vẻ, êm xuôi. Nghịch thì trắc trở, ngưng trệ. Với những nghịch duyên, chỉ cần chúng ta tin vào nhân quả, là đã có thể chuyển đi loại tư kiến hướng ngoại phê phán. Thay vì trách cứ và đau khổ, chúng ta sẽ nhận ra mặt pháp vị của nó, giúp định lực và trí tuệ của mình ngày càng tăng trưởng, chuyển hóa được nghiệp tội của mình và người.


[1] Bạch Ẩn Huệ Hạc – cuộc đời, ngữ lục, thư pháp, họa phẩm – Thuần Bạch và Ngọc Bảo biên dịch.
[2] Phẩm Danh Hiệu Địa Ngục.
[3] Luận Trung Quán – phẩm Phá Tứ Đế - Bồ-tát Long Thọ tạo .
[4] Lăng Già Tâm Ấn – HT Thanh Từ dịch.
[5] Kinh Địa Tạng Bổn Nguyện - Phẩm Thần Thông Trên Cung Trời Đao Lợi.
[6] Luận Đại Thừa Khởi Tín
[7] Nói chung cho tất cả pháp. Không chỉ riêng với địa ngục.
[8] Bách Khoa Toàn Thư Mở WikipediA.
[9] Trung Bộ Kinh tập 3. Bài kinh Tiểu Nghiệp Phân Biệt. Việt dịch HT Thích Minh Châu.
[10] Luận Đại Thừa Khởi Tín – Bồ-tát Mã Minh. Dịch và giải Chân Hiền Tâm. 
[11] Lời của đức Phật dạy Bồ-tát Địa Tạng trong kinh Bồ-tát Địa Tạng Bổn Nguyện. Bản dịch của HT Trí Tịnh.
[12] Lời của Tuệ Trung Thượng Sĩ.

Thứ Tư, 28 tháng 8, 2013

Khó khăn mà chi !



Chi Hai không làm dâu. Vì mẹ Chi Hai bắt rễ.
Không phải bà sợ con gái khổ. Mà vì điều kiện gia đình chồng Chi Hai lúc ấy, cái lúc phải đi kinh tế mới ở tận xứ Long Thành khỉ ho cò gáy. Xa thành phố. Công việc không ổn định. Mà nhà mẹ ruột lại rộng. Đơn chiếc. Cần có một người đàn ông cho ấm cửa ấm nhà. Cũng không thấy sợ hãi khi có những việc cần đến đàn ông.
Vui, buồn, than, trách gì nếu có, chỉ sau lưng. Chẳng bao giờ nghe một câu than phiền trước mặt. Chồng cũng không bao giờ hạch xách hay bắt vợ phải thế này hay thế kia với cha mẹ chồng. Chồng có những suy nghĩ của riêng chồng. Không phải là loại đàn ông phong kiến. Cũng không phải là loại đàn ông bất hiếu. Chồng có những suy nghĩ của riêng chồng.
Làm dâu không làm nhưng làm mẹ chồng thì có.
Không làm dâu lại tin nhân quả nên chẳng bao giờ Chi Hai nghĩ mình sẽ có một cô con dâu đối với mình theo kiểu lễ nghĩa xưa kia. Thằng con trai tuyên bố: “Việc con trai thương vợ hơn mẹ là chuyện thường tình ở đời. Mẹ chuẩn bị tinh thần trước đi…”. Nó tuyên bố. Chi Hai bật cười. Đến giờ nó vẫn chưa vợ. Có, là thằng sau.
Chi Hai không giận vì câu nói đó. Cũng không lấy làm lạ về câu nói đó. Vì Chi Hai tin nhân quả.
Chi Hai không làm dâu mà Chi Hai muốn người khác phải làm dâu mình thì chắc chư Phật sẽ cười… 
Chồng cũng không bắt Chi Hai phải thế này hay thể kia với cha mẹ chồng. Cũng không hề vì một lời nói nào của gia đình mà làm tổn thương Chi Hai, lý gì Chi Hai lại bắt con trai phải vì mình mà không tốt với vợ?
Tin nhân quả ai làm vậy bao giờ.
Bắt người ta tuân thủ ý mình chi cho mệt. Vô tình tạo thêm ác nghiệp.
Cô dâu trẻ không phải là người gia đình vừa ý. Không ai vừa ý cô con dâu. Chi Hai cũng không vừa ý nhưng Chi Hai không theo thói người đời vẫn làm. Bởi Chi Hai có Phật pháp. Một đôi lúc Chi Hai cũng thấy bực bội nhưng không ghét bỏ. Chi Hai thấy thương những cử chỉ mà mọi người không vừa ý đó.
Tại Chi Hai biết.
Con người được hình thành từ những thói quen của quá khứ. Phật gọi là nghiệp tập. Và được nuôi dưỡng bằng lối sống của từng gia đình và nơi chôn nhau cắt rún mà hình thành những thói quen trong hiện tại.
Hai mươi mấy năm trong hiện tại đủ khiến tâm sinh lý của cô gái trẻ trở thành bất ổn khi phải sống trong những điều kiện không quen thuộc. Với những thói quen đã hình thành từ vô lượng kiếp thì còn tệ hơn. Thành thay đổi một thói quen là việc khổ não. Dù tự nguyện, những gì đi ngược với thói quen cũng gây ít nhiều căng thẳng khổ não, như người nghiện cai thuốc. Phải chịu những phản ứng về tâm sinh lý. Không tự nguyện thì càng tệ.
Thay đổi một thói quen mà dễ thì đời này nhiều Phật vô số. Đụng đâu cũng thấy Phật. Bởi làm Phật thì có vô số thần lực, muốn gì chẳng được. Ai mà chẳng thích làm Phật. Cũng bớt đi hạng người nói nhiều mà làm thì không bao nhiêu. Hạng mà thiên hạ hay gọi là “khẩu đầu thiền”. Nhưng Phật thì quá ít mà “khẩu đầu thiền” thì quá nhiều, vì nghiệp tập khó dời. Bồ-tát phát tâm như bông xoài, đậu quả rất ít. Cũng vì nghiệp tập khó trừ. Nói bỏ không phải có thể liền bỏ. Chỉ như con lắc đồng hồ, theo giao động tắt dần mà đi. Phát tâm tu Bồ-tát hạnh mà còn khó vậy, huống là người chưa tu và không hề có ý muốn tu. Khổ não lắm lận.
Chi Hai thấy thương cho cô dâu nhỏ là vì lẽ ấy.
Bước vào một gia đình mà sinh hoạt và nề nếp hoàn toàn khác với thói quen của mình, là sự bất hạnh đầu tiên con bé phải gánh. Không thương sao được.

KHÔNG ĐỒNG TRONG ĐẠO GIÁO 
Đạo giáo, đa phần dạy người sống thiện, nên không đồng đạo giáo không phải là vấn đề to lớn, nhưng do người có đạo giáo hằn mạnh cái tôi lên đó, nên thành có đối lập. Đây là cái khổ thiên hạ hay gặp trong đời sống gia đình. Có những thứ thấy đơn giản nhưng khi đụng duyên mới thấy không dễ dàng. Yêu nhau tưởng có thể vượt qua tất cả, nhưng niềm tin và cách hành xử ở mỗi tôn giáo – nếu đã trở thành những thói quen trong đời sống bình thường – lại chính là chướng ngại trong đời sống gia đình và lứa đôi. 
Một cô dâu, quen với những thiện nghiệp của gia đình, đã không tránh khỏi bức xúc khi thấy mẹ chồng sống hai mặt với mọi người (dù đó là chồng mình) và cho đó là sự “khôn khéo” cần thiết. Chú rễ không quen với cái kiểu đụng đâu cũng có thể cứu giúp của cô dâu, vì gia đình giàu có là nhờ sự chắc chiu dành dụm mà nên v.v... Rất nhiều thứ tưởng chừng đơn giản mà không còn đơn giản vì quan niệm sống đối lập nhau, nhưng lại không biết cách buông xả để hòa hợp. Lại để nó huân tập và uất kết, tạo thành những vết hằn trong tâm thức. Rạn nứt không tránh khỏi từ những việc nhỏ nhặt.    
Duyên tốt của gia đình Chi Hai là con bé không phải là người quá ngoan đạo. Không thường đi nhà thờ cũng không bắt chồng phải theo đạo. Tại gia đình nó cũng vì đạo ông đạo bà mà chia xa. Chi Hai thì không phải là người tu Phật chỉ biết xin, lạy, cúng dường và bắt mọi người phải theo mình vì mình là người hiểu đạo. Chi Hai hiểu đạo nên Chi Hai tôn trọng niềm tin của người. Mình có niềm tin của mình thì người cũng có niềm tin của người. Không có đạo[1] nào xấu. Chỉ do người hành đạo không đúng. Cái gì không đúng thì lấy giáo lý của đạo đó ra mà nhắc nhỡ. Chi Hai không muốn người ta theo mình chỉ vì mình là chủ nhà, là mẹ chồng, là người có quyền lực trong gia đình. Chi Hai không muốn sự đối lập của đạo giáo xảy ra trong gia đình mình khi mà mục đích của các vị giáo chủ lập đạo ra là cốt để thế giới an bình, con người biết thương yêu nhau.
Việc cần làm là ở Chi Hai không phải ở con bé. Vì Chi Hai là người lớn. Chị Hai có sự hiểu biết rộng rãi và kinh nghiệm nhiều hơn con bé, thành Chi Hai phải là người tự nguyện dung hòa, không để sự căng thẳng xảy ra trong gia đình. Người lớn (mà chưa lú) thì phải làm gương cho con nít, không phải là người có quyền bắt con nít phải nghe mình. Đạo Phật là đạo từ, bi, hỉ, xả. Sống với mình mà dâu con căng thẳng quá thì đạo đúng là “vô sở trụ” trong con người mình. Thành nếu có việc gì thì Chi Hai phải là người xả trước. Chi Hai thích thấy con bé cười vang trong gia đình hơn là lấm lét sợ hãi phiền não vì mình. Chi Hai không muốn vì cách cư xử của mình mà con bé có cái nhìn không tốt về đạo Phật.   
Suy nghĩ vậy rồi, Chi Hai không bao giờ đề cập đến vấn đề đạo giáo trong gia đình. Cháu nội cũng không bắt nó phải theo đạo Phật dù Chi Hai có quyền làm như thế. Mẹ nó muốn đạo nào thì cho nó theo đạo đó. Chi Hai không thấy bận tâm về điều đó. Có dẫn con đi nhà thờ thì cứ dẫn.  Chi Hai chỉ nhắc chừng những gì thấy trái với đạo lý làm người, có thể chuốc hại cho chúng trong hiện tại và mai sau. Còn nghe hay không tùy ý. Có nhắc nhỡ là được. Để khỏi thấy hối hận khi quả xấu hiện ra chỉ vì mình đã im lặng.

KHÔNG ĐỒNG TRONG ĂN UỐNG
Con bé người miền Tây. Đồ gì ăn cũng ngọt lịm. Chi Hai nấu nó cũng ăn. Nhưng Chi Hai biết nó mắc nghẹn. Tại khi nó nấu, Chi Hai nuốt không trôi. Đâu có thói quen ăn ngọt mà ăn cho trôi mấy thứ đó. Không phải nó không biết gia giảm. Đã gia giảm rồi. Khổ là mặn ngọt không tánh. Thứ nó thấy mặn, mình vẫn cứ ngọt ngay. Chưa kể đến cái “vị” nấu ăn đã quen thuộc của từng người cũng khác. Chi Hai thấy thương con bé khi miếng cơm mắc ngang họng mình. Nuốt không trôi mà bương chải suốt ngày ngoài xã hội thì thiệt tội. Kiểu này Chi Hai cũng khó sống sót đến trăng sau. Cần phải thương mình và người. Phải làm một cuộc cách mạng cho cả hai. Chị Hai quyết định cho nó được tự ý tùy thích. Thích Chi Hai nấu thì Chi Hai nấu cho ăn. Không thích thì cứ đi ăn ngoài. Chỉ là lâu lâu lại nhắc chừng: Ăn ngoài bột ngọt, ăn ngoài dơ, chồng con nó tiểu đường… Còn nghe hay không là tùy nó. Không có ý bắt nó theo mình.      

KHÔNG ĐỒNG TRONG SINH HOẠT NỀ NẾP
Thiên hạ không ưa nhau một phần là do cách sống không như nhau. Xã hội tự nó phân giai cấp không phải chỉ do nghèo giàu mà còn bắt nguồn từ quan niệm sống không giống nhau. Già và trẻ của hai thế hệ thường ít có điểm chung, nhất là khi xã hội thay đổi quá nhanh như hiện tại. Khi mà văn hóa phương Tây với nếp sống hiện đại đang ảnh hưởng mạnh vào đời sống lớp trẻ hiện nay.
Một gia đình nề nếp theo kiểu Việt Nam thời xưa không chấp nhận con gái quá tự do với con trai mình, là những gì mà bây giờ giới trẻ thấy như việc tự nhiên. Vì chúng tiếp xúc với văn hóa Tây phương. Xưa, cậu em trai ở nước ngoài về, mang người bạn tới giới thiệu. Dù không nói ra, chị em tôi đều thấy khó chịu, chỉ vì con bé mặt một chiếc đầm sát nách và ngồi uống bia chung với bạn bè cậu. Cho cách ăn mặc và sinh hoạt như thế không phải là con nhà đàng hoàng.
Thật ra vào cái lúc ấy, việc mặc một chiếc áo sát nách và ngồi chơi với bạn của chồng không phải là việc to lớn. Chỉ là vì mình đã quen với những nề nếp phong kiến của gia đình. Mặc đầm thì được mà sát nách thì không. Hở đùi thì được mà thêm hở nách là không đàng hoàng. Con gái, không có chuyện nhậu nhẹt ăn uống như đàn ông con trai. Những gì cha dạy đọng sâu đó, trong khi cha thành người thiên cổ đã lâu. Thời gian qua đi nhanh chóng, mọi thứ đã đổi thay hết rồi nhưng cái vọng tưởng dung thông nhà mình thì ngày một kiên cố. Mang ra chiếu soi thiên hạ.
Những cái không ưa nho nhỏ đó, nếu không được nhận biết kịp thời để công tác tư tưởng nó, nó sẽ nội kết, làm nền tảng khiến lời nói, ánh mắt và cử chỉ của mình tạo ra những khoảng cách không đáng có. “Cái này có thì cái kia có…”. Phản ứng hai chiều phát sinh. Gây sự rạn nứt trong gia đình.
Phong tục và văn hóa từng miền khiến lời nói hay cách cư xử của từng người cũng khác. Có gia đình muốn dâu rễ phải thưa gởi trong từng câu nói. Có gia đình thì mọi nghi thức không nhất thiết phải cầu kỳ. Phong cách Việt thời xưa, con cái nói câu gì cũng phải thưa gởi. Văn hóa Tây phương không đòi hỏi việc đó, cha con ông bà gì cũng là “you”. Sự thân thiết vui vẻ là chính.
Bước vào một gia đình mà tôn ty kiểu cách đặt lên hàng đầu thì sự thân thiện tự nhiên của văn hóa Tây phương dễ tạo khó chịu cho lớp người lớn. Trong khi lớp trẻ thì không biết gì về thói quen mà chúng được thừa hưởng từ văn hóa Âu châu như một lẽ thường tình. Có hiểu biết và tình thương thì mọi việc được bỏ qua. Cô dâu được nhắc nhở để mọi việc được thuận thảo. Ngược lại, một cô dâu tinh ý sẽ tự biết cách sửa đổi để hòa hợp.  Rạn nứt xảy ra là khi người lớn không có sự hiểu biết, thông cảm và tha thứ. Còn cô dâu thì quá căng thẳng với công việc, không có thời gian để ý những chuyện lặt vặt, hoặc cô dâu là người vô tư, hoặc biết mà chẳng cần quan tâm.
Cô dâu trẻ của Chi Hai là con gái một. Như con gái của Chi Hai, mọi việc được tập trung cho vấn đề học vấn sự nghiệp. Chuyện chồng con không phải là tất cả như quan niệm cũ xưa. Nên có những thứ mà người lớn, nhất là những người có tính nề nếp và kỹ lưỡng của mẫu phụ nữ đảm đang thời xưa, khó có thể chấp nhận. Có những việc Chi Hai không bằng lòng, nhưng nhìn thấy công việc nó đang làm hiện tại, Chi Hai không thể bắt nó làm theo ý mình. Vì điều kiện của nó không cho phép. Ngoại trừ khi nó tự nguyện thích làm, như một số phụ nữ thời nay vẫn làm, là dù công việc nhiều bao nhiêu, một bữa cơm cho gia đình và sự sạch sẽ ngăn nắp vẫn là thứ cần thiết trong cuộc sống lứa đôi. Nhưng điều đó đòi hỏi sự tự nguyện và thích thú. Vì nó phụ thuộc vào sức khỏe, công việc cũng như thói quen của từng người. Nếu sức khỏe của dâu chỉ có hạn, công việc bù đầu và không ngăn nắp là thói quen cố hữu của cô nàng, thì chỉ còn cách phải tìm một kế sách mới sao cho không có bàn tay của cô dâu, mọi thứ vẫn tốt đẹp để ổn định gia đình. Không thì phải cho nó ở riêng để tự nó ổn định cuộc sống của riêng nó. Không thể huấn luyện con bé trở thành mẫu người phụ nữ đảm đang của thời đại khi mà lực của nó không đủ. Cũng không thể vì chuyện nhỏ nhặt đó mà có cái nhìn không tốt về con bé, rồi nói bóng nói gió khiến con trẻ đánh mất lòng kính trọng với mình. Không tránh khỏi sự xung đột vào một lúc nào đó. Khi mà đời sống xã hội vốn đã mang quá nhiều căng thẳng cho con người.
Dâu Chi Hai làm đâu quăng đó. Phòng nó ngày càng chật nít đồ. Từ cái bao ni lông cho đến những món lặt vặt bạn bè trao tặng hay quà khuyến mại… đều được dồn hết vào căn phòng nhỏ. Chi Hai choáng cả mặt. Không có thứ gì giống Chi Hai để khỏi phải nói. Không phải con bé bần tiện hay tiết kiệm. Vì nó có dùng tới bao giờ. Cất, là vì thói quen. Chi Hai phải soạn ra cho ve chai. Có khi phải quăng thùng rác vì đã quá date. Chẳng qua gia đình con bé có cửa hàng bán tạp hóa ở tỉnh. Mọi thứ được thu gom và chất đầy nhà. Nó cứ theo cái nghiệp ấy mà làm. Không ý thức được rằng giờ đã bước vào hoàn cảnh mới.
Vì là thói quen nên khi Chi Hai gò nó vào nếp, liền có phản ứng, dù nó không cố ý như vậy.
Đó là khi Chi Hai dọn về căn nhà mới. Mới cả hình thức lẫn nội dung. Ngăn nắp sạch sẽ nếu không có, nhà sẽ mau xuống cấp. Một công hai chuyện. Thừa dịp này, Chi Hai thay xác nó một thể. Để nó còn dạy con sau này. Vì nghĩ là việc tốt, nên Chi Hai khá mạnh tay trong việc gò nó vào khuôn khổ. Chi Hai kiểm soát và nhắc chừng nó liên tục. Nó chấp hành đầy đủ. Nhưng rồi, những biểu hiện căng thắng bắt đầu hiện ra. Nó bắt đầu có những phản kháng bất chợt. Chi Hai biết mình đã quá tay đối với thói quen của con bé. Thuê người làm để giải quyết vấn đề cho xong. Việc nề nếp cũng được thư giản hơn. Cho nó dơ chút cũng được. Phải thay đổi từ từ không thể gò nó vào khuôn một cái rụp, khiến nó căng thẳng mà thành phản khán.
Căng thẳng chấm dứt. Nó vui vẻ lại như xưa.

NỐT RUỒI ĐEN TRÊN THÂN THỂ NGƯỜI DA TRẮNG 
Có một thói quen mà đa số hay mắc phải - già, trẻ, lớn, bé gì cũng hay vướng, là thường hay xăm soi nốt ruồi đen trên thân thể người da trắng và kết luận người da trắng là da đen. Quan hệ mẹ chồng nàng dâu, nhất là với những bà mẹ mà con trai là quí tôn của mình, thì việc này cực kỳ hãi hùng. Chuyện bé xé ra to có khi chỉ vì một nốt ruồi đen, không hẳn cô dâu đã thật xấu.
Sống như thế, Chi Hai thấy thất bại và tội lỗi. Thất bại trong giao tiếp. Tội lỗi trong đạo đức. Vì đã “vu oan giá họa” cho người. Vì những khoảng da trắng đã bị bôi đen dưới cái nhìn không mấy rộng lượng của mình. 
Làm người, không ai là hoàn thiện. Không vướng cái này thì vướng cái khác. Bởi nếu hoàn thiện thì đã không có mặt ở cõi giới này. Đã không hoàn thiện thì xỉa xói nhau chi? Nương nhau mà sống cho vui vẻ để kiếp này bớt rắc rối, kiếp sau đỡ hoạn tai. Gặp lại nhau cũng đỡ muộn phiền. Không thì kiếp này rước phiền não, kiếp sau thêm tùm lùm.
Suy cho cùng, xấu và tốt có khi không hẳn đã là xấu và tốt. Chỉ  vì trái với tư kiến của mình mà nó thành xấu. Trong khi tư kiến của mình, có khi chỉ là thứ được hình thành từ những tập tục, không có căn cứ đạo lý.
Chi Hai sống không phung phí từ nhỏ. Nói “không phung phí”  nghe cho ngon chứ chính thực là “hà tiện”, rất hà tiện cho bản thân. Và thường áp dụng việc đó cho gia đình nếu có thể. Sự khó khăn khi bước chân vào đời và nề nếp của gia đình xưa đã huân tập cho Chi Hai cái tính đó. Chi Hai cũng muốn con cái mình sống như vậy. Như một thứ đạo lý ở đời.
Trời nóng, việc gắng một cái máy lạnh là chuyện đương nhiên. Từ chi phí lắp ráp đến tiền điện hàng tháng dâu trai tự thanh toán. Nhưng Chi Hai không muốn. Chi Hai ngủ không máy lạnh đâu có sao.
Có điều, từ khi khởi lên ý tưởng đó, Chi Hai không thể nào có những giấc ngủ bình thường nữa. Những cơn nóng thiêu đốt Chi Hai. Hằng đêm. Rất khủng khiếp!
Chi Hai chợt nhận ra …
Phước nghiệp của mỗi người mỗi khác. Không ai giống ai. Không thể bắt người ta sống như mình. Nếu có sống khác mình, chưa chắc họ đã xấu. Nếu Chi Hai đúng, Chi Hai đã không bị thiêu đốt như thế. Cũng may, Chi Hai được quả báo tức thì. Nếu kiếp sau mới hiện quả thì Chi Hai đã không nhận ra sự sai lầm của mình, sẽ vẫn cột đời mình vào những tư tưởng vô minh.
Xả tâm, không bắt người theo ý mình nữa, Chi Hai hết liền những cơn nóng.    

ĐỤNG ĐẾN TRAI CƯNG
Một trong các khó khăn mà các cô dâu nhỏ thường gặp nữa, là cha mẹ chồng không thích cậu con trai mình đã tốn công nuôi nấng tâng tiu, lại phải giặt đồ nấu cơm vì một người, mà đáng nhẽ người đó phải làm. Nhưng văn hóa Âu châu thì không phân biệt như vậy. Cha Chi Hai làm tất cả những gì có thể làm từ việc chùi cầu tiêu cho đến vá áo cho con, dù ông là người có chức quyền trong xã hội và luôn có người làm trong nhà. Đó là cách ông thương yêu gia đình. Chi Hai cũng không phải động chân động tay nhiều vì thời còn trẻ, thân bệnh hơn khỏe. Mọi thứ chồng làm hết. Quen cái nề nếp ấy từ nhỏ, nên con trai có làm gì cho dâu thì đó là việc thường tình. Nhưng thằng con lại theo tinh thần phong kiến. Dù vợ có làm đến chức giám đốc thì vẫn phải nấu cơm hầu nó tận miệng. Thời gian đầu, Chi Hai là người phải nhắc con trai khi thấy mọi việc quá tải ở con bé. Đơn giản vì, sống sao để còn có phước mà hưởng. Không thì phước sẽ hết mà ác nghiệp thì hằn đó. Tình nghĩa cũng mất đi.

PHẦN THƯỞNG CỦA SỰ CẢM THÔNG
Phần thưởng mà Chi Hai nhận được từ những việc mình đã làm là bài luận văn tiếng Anh, con dâu đã làm để tỏ lòng yêu thương của nó đối với mẹ chồng. Cô giáo Anh văn đã điện thoại nói với Chi Hai điều đó, không phải con dâu. Con dâu không nói về những gì nó đã làm. Cũng không báo trước những gì nó sẽ làm. Nó nói ít hơn làm. Và làm thì … càng ít nữa. Chi Hai không lấy làm lạ về việc đó cũng không thắc mắc về điều đó. Vì Chi Hai tin nhân quả. Quan niệm của Chi Hai cũng không giống mọi người. Chi Hai nghĩ nó coi gia đình mình như chính gia đình nó nên nó mới sống thoải mái và tự nhiên như ở nhà. Chi Hai thích nó sống đúng như những gì nó đang có, hơn là sự xã giao khéo léo vì để đối phó với mẹ chồng.
Điều đơn giản hơn nữa để Chi Hai thương con dâu vì Chi Hai có con gái. Con gái Chi Hai làm dâu nhà người thì khác gì con dâu làm dâu nhà mình. Thương con và tin nhân quả, sẽ thương dâu và sống vui vẻ với dâu.

KHÔNG QUA KHỎI NHÂN DUYÊN
Có một việc it ai biết đến, là những gì chúng ta nhận được trong hiện tại có nhân duyên đời quá khứ chi phối trong đó. Như tương lai được chi phối bởi những nghiệp nhân của hiện tại. Trao cho nhau những điều tốt đẹp ở đời quá khứ thì cái quả thuận thành hiện tại sẽ nhiều. Gieo cái nhân ác nghiệp với nhau nhiều, quả trái nghịch bất hạnh sẽ xảy ra.
Duyên của Chi Hai khá tốt. Phước báu từ quá khứ đã góp phần tạo nên sự suông sẻ cho gia đình hiện tại, nên khi Chi Hai xả tâm liền gặt được quả lành. Vẫn có trường hợp dâu con ngang ngạnh chịu không nỗi. Mẹ chồng càng hiền, dâu càng lấn tới. Song tất cả đều không ra ngoài nghiệp báo. Không có quả nào không có nhân.
Dâu cũng phải có phước báu của riêng dâu, mới có thể gặp bà mẹ chồng hiểu biết để mọi thứ được thuận hòa trôi chảy. Không có phần phước báu đó thì khó mà gặp được một bà mẹ chồng hiểu biết để cuộc sống được an vui. Cô con dâu nhà Chi Hai cũng từng gieo cái nhân gì đó rất tốt với Chi Hai nên đến kiếp này, đối với nó, Chi Hai xả tâm không thấy khó. Thấy thương yêu hơn là ghét bỏ bực bội.
Nói chung, đó là một mối quan hệ mà muốn sự tốt đẹp xảy ra, cần đến phước báu của cả hai bên.
Phước báu đó từ đâu mà ra? Từ chính những hành động mà chúng ta đối xử với nhau trong đời quá khứ cũng như hiện tại. Vì thế, nếu chẳng may có những chuyện không vừa lòng xảy ra mà không dàn xếp bỏ qua để cuộc sống được yên vui, lại theo cái đà ghét nhau mà đi thì chính là đang tiếp tục gieo cái nhân trái nghịch cho nhau. Trái nghịch trước chưa xong, đã gieo thêm trái nghịch sau bồi vào đó, quả khổ không sao tránh khỏi ở tương lai.
Xả tâm, thì chuyển được nghiệp. Không nhiều thì ít. Không xả tâm được mà muốn có sự thay đổi thì như kinh nói: “Không có việc đó”. Càng cố chấp cương cứng, càng rước phiền não hơn thôi.

NGUYỆN CHO…
Vu Lan lại đến.
Chi Hai mong những bà mẹ sống cởi mở hơn với dâu con, để sự hiếu thảo của chúng thật sự bắt nguồn từ tình yêu thương, không phải chỉ vì đó là điều phải làm. Không thể đòi hỏi con nít phục tòng và thương yêu mình khi mình khắt khe và không màng đến đời sống tâm sinh lý của chúng. Thương yêu chúng bằng sự hiểu biết, chính là đang giúp mình thoát khỏi những mối oán ghét không đáng có trong tương lai, cũng là giúp chúng thoát khỏi những suy nghĩ và hành động mang tính bất thiện, là thứ quyết định hạnh phúc của chúng trong hiện tại và tương lai. Chúng hạnh phúc vui vẻ thì mình cũng được an vui hạnh phúc. Bởi nghiệp theo mình như bóng với hình. Có nhân duyên với nhau rồi, đâu phải người khổ mà mình có thể an vui. 
Và nếu việc thương yêu con dâu của Chi Hai tạo nên công đức cho mình và người thì Chi Hai nguyện đem công đức đó cúng dường tất cả mười phương chư Phật và Bồ-tát, xin hồi hướng khắp tất cả để những mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu được tốt đẹp, gia đình thuận thảo, thế giới bình an.


[1] Muốn nói đến những đạo giáo dạy con người tin nhân quả và hướng thiện.