Thứ Tư, 22 tháng 6, 2011

Cuối đông đọc luận Trung Quán







Đất Sài Gòn thì làm gì có xuân, hạ, thu, đông mà nói cuối đông đọc Trung Luận. Chỉ hai mùa nắng mưa qua lại. Nắng có khi chết người. Mưa lắm ngày Ngưu Lang Chức Nữ không thể gặp nhau. Vậy mà vẫn … cuối đông đọc Trung Luận. Trung Luận mà còn đọc được, thì cuối đông đọc Trung luận không có gì ngạc nhiên. Nhi nhiên như dòng chuyển biến xuân, hạ, thu, đông. Như mưa rồi lại nắng, nắng rồi lại mưa … Chừa một khoảng thời gian tiếp giáp, một chút không gian tịch mịt cho những hàng Trung Luận.

Không định cái khoảng cuối đông này, Trung Luận dễ gì bày hiện trong những tất bật lo toan đời thời, hay trong bóng xuân đầy ngợp pháo hoa, bánh trái …

                          Không sanh cũng không diệt
                        Không thường cũng không đoạn
                        Không một cũng không khác
                        Không đến cũng không đi

Sanh và diệt, sống và chết, hai trạng thái bắt đầu và chấm dứt của một hiện tượng hay một sinh vật … Thu đi, là thu diệt. Đông đến, là đông sanh. Đông tàn, là đông diệt. Xuân đến, là xuân sanh. Cứ vậy mà sanh sanh diệt diệt, sống sống chết chết. Chết thật nhiều nhưng sanh không ít. Cứ theo nghiệp lực mà đi, từ dạng này sang dạng khác, từ con người sang súc sanh v.v… Rất nhiều thứ đang rục rịch để mình biết sự sống đang còn, dẫy đầy không biến mất. Sanh rồi diệt, diệt rồi sanh, như 4 mùa xuân, hạ, thu, đông. Mưa rồi nắng …

Vậy mà Trung Luận nói “Không sanh cũng không diệt, không đến cũng không đi …”

Đọc thì ai cũng đọc được, nhưng hiểu thì không mấy người hiểu. Hiểu thì có thể hiểu được, nhưng không mấy ai có thể ứng tác để họa thành thơ như Trúc Lâm Đại Đầu Đà :

                    Ngày nay, khám phá mặt Đông hoàng
                    Thiền bản, bồ đoàn, ngắm hồng rơi

Bộ mặt Đông Hoàng, tánh thực của xuân, hạ, thu, đông, mưa và nắng … Thứ đó không sanh cũng không diệt. Xuân thu không có đến đi.

Đại sư Hám Sơn, khi còn trẻ, đọc được một bài kệ trong Triệu Luận, khởi nghi tình đối với nghĩa BẤT CHUYỂN trong nhiều năm. Đến khi khắc lại luận đó, đọc lại bài kệ, hoát nhiên đại ngộ. Đứng lên lễ Phật thì thấy thân mình không có tướng lễ xuống hay đứng lên. Nhìn trời, thấy gió thổi lá rơi mà lá không có tướng nào động. Tiêu tiểu nhưng không thấy nước có tướng lưu chuyển … Mới nhủ với mình Nếu chỉ dùng cái tri thức đây để hiểu, mà không phải là chân tham ngộ, thì không thể không khỏi nghi. Đúng là không có sự trải nghiệm thì không thể hiểu những gì hiện hữu không theo sự thường tình. Và như nhắn với mọi người Động tịnh đến cùng cực không dễ gì nói cho người khác tin. Những lời nói ấy, chỉ cốt người lìa ngôn nhận ý, không chấp theo ngôn từ mà đánh mất ý chỉ . Những lời nói ấy, chỉ cho bài kệ mà Đại sư Hám Sơn ngộ được từ ngài Tăng Triệu:

                         Gió bảo bay núi mà thường tịnh
                         Nước sông đổ gấp mà chẳng trôi
                         Bụi trần lăng xăng mà chẳng động
                         Trăng qua bầu trời mà chẳng đi

Mấy ai trong cõi nhân gian thấy được gió bảo, bụi trần lăng xăng mà vẫn không động? Chỉ thấy xuân, hạ, thu, đông rồi xuân, hạ, thu, đông … Xuân đến rộn ràng, bướm lượn chim ca. Đông sang u ám, gió lạnh cô lòng. Tình cảm theo đó như nước thủy triều, lênh lênh láng láng. Bầu thơ túi rượu nương đó ngút ngàn, vui buồn theo cảnh vật đổi dời. Tĩnh lặng bên trong nhường chân cho niệm tưởng lăng xăng. Cảnh động bên ngoài, thêm đầy vơi được mất. Không có chỗ để tịnh mặc. Không còn chỗ cho tâm yên. Bởi đó, không thể nào nhận được trong cái động, động mà vẫn tịnh. Trong cái tịnh, tịnh không lìa động. Tịnh động làm duyên cho nhau cùng sinh khởi. Tịnh duyên động còn chưa có phần, bộ mặt thật Đông hoàng làm sao nhận được ?

Nghiệp thức của phàm phu, chỉ thấy được mặt lưu chuyển của vạn pháp. Xuân đến, xuân đi, thu tàn, đông đến. Mọi thứ đang rộn ràng nhộn nhịp. Nhị thừa, nhận được mặt không tịch của vạn pháp. An trụ trong niết bàn tịnh lạc. Không còn thấy đổi dời. Không còn có xuân thu. Chỉ một trời an lạc bình yên. Phàm phu đuổi theo cái sanh. Nhị thừa trú trong cái diệt. Chỉ bậc “không thánh không phàm” mới nhận được mặt động tịnh không hai. Sanh tử tức niết bàn. Gió bảo bay núi mà thường tịnh, trăng qua bầu trời mà chẳng đi … Đi đi đến đến mà chưa từng đi đến. Sanh sanh tử tử mà chưa từng tử sanh. Bởi vậy, vào trong sanh tử mà không nhuốm màu sanh tử. Được mất dẫy đầy mà không vướng mắc buồn vui.

Thánh Nhị thừa chứng nghiệm cõi này vô thường tạm bợ. Không đợi thánh Nhị thừa mới chứng nghiệm được điều đó. Những kẻ lang thang phố chợ như mình cũng thấu được như ai. Không có gì còn hoài. Không có gì đứng yên. Sinh ra, lớn lên rồi chết. Chỉ là sớm hay muộn, lâu hay mau … Cuộc đời quả vô thường. Ừ, không thường chút nào! Không thường nhưng không đoạn. Chỉ là sự thay hình đổi dạng. Chết, để có một đời sống khác. Bởi vòng nghiệp lực vẫn còn. Thành đừng nghĩ chết là hết mà buông trôi rồi … hối tiếc. Chết chưa hết. Mọi thứ đang tiếp diễn. Vòng nghiệp lực đang xoay. Bởi thế, đông dù u ám bao nhiêu cũng đừng chơi dại mà tự tử. Khổ đau một trời đâu đã thoát …

Chết, nhưng không phải ngay lúc chết ấy mới chết. Hắn đang chết từng giờ, từng phút, từng giây, trên từng sát na. Chính cái chết trong từng sát na mà mình trưởng thành, lớn lên, già và … chết.

Phật nói “Niệm trước diệt làm duyên cho niệm sau sanh”. Cái trước phải diệt, cái sau mới sanh. Niệm trước không diệt, niệm sau không thành duyên để sanh. Đó cũng là một trong những cái nhìn của các nhà Duy vật biện chứng : Qui luật phủ định của phủ định. “Một sự phủ định làm tiền đề tạo điều kiện cho sự phát triển, cho cái mới ra đời thay thế cái cũ. Đó là sự phủ định biện chứng … Một loại phủ định có kế thừa” . Thân tâm mình không phải là một khối bất di bất dịch. Nó là một dòng chuyển biến liên tục. Nhưng mình không thấy điều đó. Mình không thể thấy thân mình trước hai giây và sau hai giây không còn như nhau. Đã có sự chuyển biến. Chúng không còn là một. Không phải một nhưng không phải khác. Bởi không ngoài một con người. Không chỉ với thân tâm, mà với bất kỳ pháp nào có mối liên hệ nhân duyên mật thiết với nhau ở thế gian cũng đều như thế. Chuyển biến và chuyển biến. Chính vì cái chuyển biến đó mà Phật nói các pháp không tánh. Không tánh nên không pháp nào có thật, chỉ như giấc mộng đêm qua. Đủ duyên thì hiện, hết duyên liền không. Chuyển biến và chuyển biến … quanh một cái không chuyển biến. Trung Luận mới bàn “Không thường cũng không đoạn. Không một cũng không khác”.

Cuộc đời vốn là thế. Không thường cũng không đoạn. Không một cũng không khác. Không đến cũng không đi. Không sanh cũng không diệt … Hội chăng?

                         Xuân đi trăm hoa rụng
                         Xuân đến trăm hoa cười
                         Trước mắt việc đi mãi
                         Trên đầu già đến rồi
                         Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết
                         Đêm qua sân trước một nhành mai
                                                  (Thiền sư Mãn Giác)

Một nhành mai cho suốt bốn mùa xuân, hạ, thu, đông, mưa và nắng. Chuyện lạ của thế gian. Nhưng có gì lạ. Bánh chưng dưa hấu bốn mùa giờ đã có đủ. Chỉ cần khoa học tiến bộ, mai vàng xuân, hạ, thu, đông có khác gì!Ối! Ối! “Những lời nói đó, chỉ cốt người lìa ngôn nhận ý, không chấp theo ngôn từ mà đánh mất ý chỉ”. Cuối đông đọc Trung luận, cũng là đọc cho ra cái Trung Luận của chính mình. Nào ở mấy chữ này mà nói cuối đông đọc Trung Luận. Rõ là … 

Thứ Ba, 21 tháng 6, 2011

Nghề là nghiệp (Jobs are karma)

Không ai còn thấy gì khi đang cắm đầu trong guồng máy danh lợi. Nghiệp là nghề. Sư Hưng đã nói như thế với tôi. NGHỀ thì tôi hiểu nhưng NGHIỆP thì không. Không hiểu nghiệp là gì nên tôi nhớ rất rõ 3 từ đó mà không thấy được hết những gì Sư muốn nói.
Không ai hiểu hết những gì mình đang làm. Cái đáng tội nhất của con người là ở đó.
Nghề là thứ mang lại miếng cơm manh áo cho mình. Ngày này sang ngày khác mình cứ thế mà cắm đầu cắm cổ chạy vạy miếng ăn cho bản thân và gia đình. Tiền bạc là thứ quí giá, bởi nó giải quyết được mọi thứ ở cuộc đời. Có tiền sẽ có tất cả. Người ta nghĩ như thế. Chỉ khi cái chết xuất hiện nó mới hết giá trị. Vì thế ai cũng muốn có một nghề, một nghề hái ra tiền thật nhiều, bất kể những gì phát sinh từ nó.
Không ai thấy được rằng cái nghề ấy đang được in hình rất sâu trong tâm thức của mỗi người. Nó đang giúp mình hình thành một thói quen. Người ta chỉ thực sự bỏ nghề khi tuổi đã xế chiều hoặc không còn cử động chân tay được nữa. Bỏ trong điều kiện bắt buộc (không phải tự ý thức) nên tuy không còn hiện diện, nó vẫn âm ỉ đâu đó trong tiềm thức, rồi vận hành tiếp tục vào những kiếp sau.
Nghề chính là nghiệp. Nghiệp chính là thói quen. Nghề tạo cho ta những thói quen. Một nghề lương thiện tạo cho ta những thói quen lương thiện. Một nghề bất thiện tạo cho ta những thói quen bất thiện. Song cũng có những nghề lương thiện mà lại nẩy sinh những thói quen bất thiện. Cái râu ria ấy phát sinh là do tham dục của con người. Cho nên, một việc làm để nuôi thân không có gì đáng sợ. Cái đáng sợ chính là những thứ râu ria quanh nó.
Cái râu ria ấy một khi đã thành thói quen, nó có lực dẫn mình theo nó một cách mù quáng không thể nào cưỡng được. Mỗi thói quen đều có lực của riêng nó. Mình chỉ nhận ra được cái lực ấy khi mình muốn dứt bỏ hoặc ngăn chặn nghiệp lại. Sau mấy chục năm lăn lộn khổ não ở đời, tôi mới hiểu hết những gìø Sư Hưng đã nói ...
Những ngày chồng ở tù, tôi tập quen với quầy thuốc lá và chiếc xe bánh trước nhà. Người phụ nữ làm nghề mưa mốc qua đường. Chị mộc mạc dễ thương nhưng cuộc đời thật tội nghiệp. Như trả ơn cho cái mộc mạc dễ thương đó, một người đàn ông đã đến, bỏ qua những chuyện mưa mốc, giúp chị có mái nhà ấm êm vui vẻ. Bẵng đi một thời gian, tôi lại thấy chị xuất hiện với cái nghề mưa mốc ngày nào. Chị nói chị buồn, không quen nhà êm cửa ấm. Cuộc đời lang bạt quen rồi. Chị bỏ chồng trở lại đường xưa. Chị muốn được tự do. Tôi ngao ngán cho cái muốn tự do của chị. Mưa mốc đã trở thành nghiệp dĩ và người ta bị cuốn lăn trong cái nghiệp dĩ ấy của mình. Không cần biết hậu quả thế nào và ngày mai sẽ ra sao.
Buôn bán không phải là nghề của tôi. Bởi tôi không thích nó chút nào. Tôi gánh nó chỉ vì chồng ở tù và chỉ có chị mới giúp tôi có đồng ra đồng vào trong hoàn cảnh khó khăn. Tôi theo chị bắt đầu nghiệp buôn bán. Tôi buôn bán nhưng hồn để tận đâu đâu. Bà chủ sạp đuổi mấy lần, bởi “khuôn mặt hãm tài không thể nào chịu nổi”. Buôn bán không xấu nhưng những cái râu ria như thế mà nó thành xấu. Tôi càng ghét cái nghề mua bán kinh khủng. Ghét những con người đầu môi chót lưỡi tráo trở điêu ngoa. Nhưng có đồng ra đồng vào tôi cũng thấy vui vui, rồi quen dần trong vòng xoáy đó. Cũng phải tập quen như dùng cơm bữa hằng ngày. Thiếu nó, bụng mình sẽ trống rỗng.
Những ngày chồng về là những ngày tôi thoát khỏi kiếp lang thang và trở thành bà chủ hẳn hoi. Bà chủ thì không phải là kẻ lang thang. Vì bà chủ có quyền lực và tiền bạc. Trong dòng xoáy mua bán, không có nhân quả và thất bại mình không có thời giờ nhìn lại con người mình. Không biết khi nào mình mới tỉnh để nhảy khỏi cái vòng xoáy kinh hoàng đó. Mở mắt ra là đếm tiền. Không có thì giờ để hưởng thụ. Ăn không được, ngủ không yên, luôn sống trong sợ hãi nhọc nhằn, nhưng cả chồng và tôi, không ai có ý buông bỏ dù chỉ một phút. Cứ cắm đầu cắm cổ như con thiêu thân a vào bóng đèn dù tiền bạc không biết để làm gì. Không phải vì thiếu ăn mà vì không thể dừng được. Thứ lực ấy cứ dí mình vào với tiền bạc và danh vọng. Chèn ép. Tàn nhẫn. Quên mất nụ cười thỏa mãn của mình là nước mắt đau khổ của người khác. Quên mất sự chèn ép của mình là nỗi uất ức của bao người. Không ai cho mình có thời gian để suy nghĩ mình cần nhiều tiền như thế để làm gì, mình còn đủ thời gian để tranh giành không, hay nửa đường lại chết thảm như bố? Mình không có thời gian để suy nghĩ, cứ cắm đầu cắm cổ làm theo một thói quen. Một lực nào đó đang cuốn chặt lấy mình và đẩy mình bương tới trước, bất kể tất cả, chỉ có tiền ...
Chỉ khi sự trả vay của nhân quả đủ duyên, cá lớn nuốt mình như mình từng nuốt cá bé, mình mới kịp nhận ra nỗi uất ức mà người ta phải chịu dưới tay mình. Chỉ đến khi tiền mình không cánh mà bay, mình mới thấy mọi thứ ở thế gian là vô thường. Mình mới biết nghĩ đến cái chết của bố và soi rọi những hiện tượng đang diễn ra chung quanh. Không ai thoát được nhân quả. Nhân quả trả vay không hề sai chạy. Thật rùng mình! Tiền không phải là thứ mà mình có thể ôm giữ suốt đời. Nó đến mau thì có thể ra đi cũng rất mau. Nhưng những gì mình đã tạo thì vẫn còn đó. Không đè lên đầu mình thì sẽ là con mình, người thân của mình, làm sao đó để mình trả thông cái quả đau đớn kia. Một cái nhân đã gieo, đủ duyên cái quả sẽ tròn đầy, không chóng thì chầy. Nỗi vui thì qua mau nhưng nỗi buồn thì nặng trĩu. Mình cảm được nỗi vui nhưng quên mất cái buồn.
Mua bán thương trường không phải là nghề tôi thích, nó không phải là loại nghiệp tôi phải nối tiếp từ kiếp trước. Nhưng giẫm chân vào đó rồi, mình cũng bị nó dẫn chạy như một con thiêu thân. Nghiệp lực thật kinh hoàng. Thất bại và đau khổ là động lực đưa mình đến vinh quang và thành công, cũng là thứ giúp mình thành cương quyết và tàn nhẫn. Chính nó, cũng là thứ giúp mình dừng đi những ác nghiệp trong thương trường. Phải biết cảm ơn thất bại và đau khổ. Không có nó, không ai có thời gian để suy nghĩ về những gì mình đã làm, không làm sao dừng được phần lực nghiệp mình đã tạo.
Thương trường không xấu nhưng kết hợp với lòng tham của con người mà mọi thứ thành xấu. Một cái nhân bất thiện đủ duyên sẽ cho ra cái quả bất hạnh. Cái quả bất hạnh đó chính là cái nhân trói mình vào những nỗi bất hạnh kế sau. Những người đánh cá sẽ làm gì khi sinh ra trên bãi biển mênh mông nghèo khó mà chung quanh chỉ toàn là người đánh cá? Sẽ lớn lên với một nghề đánh cá. Để rồi quay cuồng trong sóng dữ và những cơn thịnh nộ của đất trời. Cứ vậy mà in hằng vào những kiếp sau.
Không thử một lần ngẩng đầu nhìn lại, sẽ theo dòng, mãi miết tận đâu đâu. 


  

JOBS ARE KARMA
(Từ mẫn Nguyện dịch)


Nobody can see anything once wallowing in the machine of fame.
Jobs are karma. Master Hung told me so. I can understand jobs, but I cannot understand what karma is. Because I don’t understand it, I remember his three words very clearly. However, I really don’t know what he implied.
Nobody can understand what he or she is doing. This is the most pitiful thing of human beings.
Jobs bring us food, clothes etc. Therefore day after day we move heaven and earth to work hard to support ourselves and our family. Money is the most important thing because it can solve everything in life. When we have money, we can get everything. We think that money is everything until the Death knocks at our house, money becomes useless. So we all want to have a job which can bring us a lot of money regardless of what arises from it.
Nobody can see that our job takes a deep root in our mind. It helps us to have a habit. We really stop working when we are at the old age or we cannot work anymore. In other words, we are compelled to stop it by the situations, not from our self-conscious. So it is still there in our subconscious. And its operation will continue in the afterlife.
Jobs are karma. Karma is our habits. Our jobs create habits. Wholesome jobs give us good habits. Unwholesome ones create bad ones. However, wholesome jobs can sometimes create unwholesome habits. It is due to human greed that arise so many dangerous “accessories”. So, doing a job to support ourselves is ok. But what is scary is those “accessories”!
Those “accessories”, once become our habits, have a terrible power which can control us  so much that we cannot resist. Every habit has its own power. We can only recognize that power when we really want to get rid of it or to stop karma. Finally, after many years of ups and downs in life, I can completely understand what Master Hung said.
When my husband was in prison, I had to sell cakes and cigarettes in front of my house. In those days, I met a street-lady. She was very miserable. But she was very simple and cute. And maybe it was her simple inner beauty that brought her a kind-hearted man. He agreed to marry her without caring about her dirty past. He gave her a happy family.
Time passed by …
Then one day I surprisingly met her wander in the street making money by her previous job. She told me that she was sad. She could not get accustomed to the happy family life. She remembered her errant days. She left her husband and came back to her debauched stylelife. She wanted freedom. I was very tired of her so_called freedom. Street_walking became her karma. And she was swept away by her own karma without caring what would happened tomorrow .
Business was not my career. Just because I did not like it. However, I did it because my husband was in prison and only his sister could help me to earn living in those difficult time. I began my business with her, but my mind was in the moon. This may be made me have an unlucky face and be fired so many times.
Business was not bad. But the “accessories” arising from human greed made it too bad. So I hated business so much. I hated evil, shifty people with a sweet tongue. However, I also felt happy to get some money. And I gradually get used to that whirl. It became something very familiar with me like daily meals. Without them, my stomach would be empty. 
When my husband came back home, my wandering life ended. I became the owner of a small shop. Of course, the owner was not a wanderer because I had money and power. But in that whirl of business, if there were not failure or karmic results, I could not have time to reflect myself. I did not know when I could be awakened to jump out of that terrible whirl.
Everyday, after getting up, I wallowed in counting money. I did have time to enjoy life. My husband and I were always worried and scared. We could not eat well nor sleep soundly. But we never have a thought of giving up, even in only one minute. As the mayflies stupidly rushed into the lamp to be burnt later, we worked and worked all the day long though we did not know why to earn so much money. We blindly rushed forward.
We could not stop.
We could not stop not because of lack of food or poverty, but because we could not. It seemed that there was a seductive power to push us to wallow in fame and money. Oppression! Cruelty! We forgot that our satisfactory smiles were others’ unhappy teardrops. We did not know that our oppression were many people’s resentfulness.
Nobody gave us time to think why we needed so much money.
We did not have time to wonder whether we could have enough time to compete or die suddenly as our father did.
We did not have time to look back or to think.
What we were doing just followed our habits. A magic power seemed to dominate us completely and forced us to rush forward regardless of consequences. We just knew money. Only when we reaped what we had sown once suitbale conditions were met, when the big fish swallowed us as we did smaller ones, we could recognize the resentfulness we caused to others. Ony when our money suddenly flew away, we could know that everything in this world was impermanent.
At that time, we knew to think about our father’s death and began to illuminate every phenomenon around us. The law of cause and effect is never wrong. It influences everybody. Nobody can escape from it. It is so terryfying!
Money is not what we can have forever. It easily comes then it easily goes. But what we do is still there. According to the evil deeds we has sown, evil reaps will follow as consequence, otherwise the evil reaps will fall on our family, our children or our relatives somehow we must reap for our evil deeds.
A seed which has been sown will eventually blossom into the  fruitation when suitbale conditions come their way, sonner or later. Happiness is fugitive. But sadness is very heavy. We easily feel happiness, but we often ignore sadness.
Business was not my favorite job. It was not the karma to be continued from the previous life. However when I wallowed in it, I was under its control like a mayfly. How terrible the karmic power was! Failure and sufferings are motives to lead us to success and glory. They also make us decisive and cruel. However they help us to stop unwholesome karma in business. Therefore, we should thank them. Because without them, we have no time to think of what we have done or to stop our karma.
Business is not bad. It becomes bad when combined with human greed. A bad cause, when there are suitbale conditions, will produce a bad effect. That  effect will become the cause to bind us in the cirle of unwholesome karma.
What will fishmen do, when they are born in the immense sea? They grow up and they have to catch fish to earn living. They do not have another choice. Catching fish becomes their job and their karma as well. They are in a whirl of angry seas, in the wrath of heaven and earth. And this will be engraved in their mind and repeated in the following lives.
If we don’t stop to turn back just one time, we do not know where we are drifting.    


Thứ Hai, 20 tháng 6, 2011

Tam Tạng được kinh qua cái nhìn Thiền Tông




Tây Du Ký, một bộ chuyện gần như ai cũng thích. Người đời thích. Các bậc Tôn túc xưa cũng thích. Nhắc đến Tôn Ngộ Không đổ hết bình đờm giải vào họng, Sư phụ cười ha hả. Cái cười của Sư phụ khiến tôi tò mò. Cứ hỏi vì sao Tây Du chiếu trên truyền hình, khúc cuối sao mà tệ hại, xem ra phỉ báng đạo Phật quá nhiều, mà với Sư phụ lại có giá trị đạo lý như thế ?

Cái tật vốn lười, đọc lại nguyên bản chữ hán Tây Du thì có mà chết. Thôi thì chỗ nào thấy họ phỉ báng, mình moi chỗ đó ra xem, coi người xưa viết gì mà các bậc Tôn túc có những nhận xét khác nhau. Không ngờ, khi Tam Tạng đến chân núi Linh Thứu trở về sau, đọc tới đâu mê mẫn tới đó. Nếu cho Tây Du là bộ ký sự gởi gắm quá trình ngược dòng hoàn tịnh của một hành giả tu Phật để đến bờ kia v.v... Cũng có cái lý để mình chiêm nghiệm.

1. Mở đầu

Nói “Tam Tạng được kinh qua cái nhìn Thiền tông”, không có nghĩa, đó là cái nhìn của tất cả những hành giả tu thiền. Chỉ vì trong phần luận giải, phải mượn những tình tiết liên quan đến Thiền tông mới hí luận được về nó, nên nói “Qua cái nhìn Thiền tông”. Luận ra đây, cũng không phải để chống đối hay hiển sự đúng sai đối với những quan điểm nghịch lại. Làm sao có thể khẳng định mình đúng người sai, khi mình không phải là chính tác giả? Chỉ là mượn gió đưa thuyền, mượn nôm bẩy cá … xẻ chia một chút “ngọt bùi” với những kẻ đồng duyên. Cũng là để thấy, thực lý DUYÊN KHỞI đang chi phối thế giới này : Pháp không tánh cố định, chỉ tùy duyên hiện tướng. Tùy tâm thức của từng người mà pháp pháp thành sai biệt. Cảnh SỞ DUYÊN không còn ở vị trí của chính nó, mà đã thành SỞ DUYÊN DUYÊN qua tâm thức của từng người. Ca rằng :

Sở Duyên bày hiện
Duyên thành Duyên Duyên
Mượn gió đưa thuyền
Bát Nhã đồng lên

Do chỉ tập trung vào đoạn Tam Tạng được kinh, lại “Qua cái nhìn của Thiền tông”, nên đây không bàn đến quá trình thỉnh kinh ở phần trước, chỉ lạm bàn khi Tam Tạng đến được chân núi Linh Thứu trở về sau.

2. Chỉ thẳng chỗ tâm chứng

Vượt bao khổ cực sóng gió, đến được chân núi Linh Sơn, 4 thầy trò Tam Tạng được đại tiên Kim Đăng chỉ đường “Thánh tăng! Hào quang ngũ sắc lưng chừng trời mà ngài thấy đó chính là Linh Thứu, cảnh giới của Phật Tổ”. Tôn Ngộ Không nói “ … Tuy thấy đó chứ còn xa …”.

Nguồn tâm chân nguyên vốn thanh tịnh trùm sáng, nhưng nó không phải là đối tượng để ta thấy được. Thứ gì còn trong vòng năng sở đối đãi, thứ đó có thể là chân, nhưng là đối với vọng mà nói, chưa là chỗ tánh thể tột cùng cần đạt. Ngài Nam Tuyền nói “Không biết là vô ký. Biết là vọng giác”. So với tâm vọng động của chúng sanh, biết tuy là chân, nhưng đó chỉ mới là phần CHÂN DỤNG của TÁNH THỂ chân như, chưa phải là cái nhân PHẬT TÁNH để ta đạt được cái quả là NIẾT BÀN PHẬT, nên nói vọng giác. Vì sợ người tu chấp DỤNG làm THỂ, nên Nam Tuyền đã phải phương tiện một câu “Biết là vọng giác”. Tuy là vọng giác nhưng không có BIẾT, thì chân núi Linh Thứu còn không có phần, nói là lên núi.

Cho nên, dù thân tâm không còn, chỉ hiện tiền một trạng thái thanh lương sáng khắp, nhưng là cái thanh lương mình còn cảm nhận được, thì vẫn chưa thoát được cảnh giới của thức ấm. Chỉ mới là cảnh SỞ MINH mà kinh Lăng Nghiêm đã nói. Ngài Thiết Nhãn nói “Lúc đó tâm của bạn rỗng rang như hư không. Bạn cảm thấy cả pháp giới hiện hữu trong ấy, như có cái gì thanh lương khó nghĩ … Khi trạng thái này tiếp tục một thời gian mà bạn nghĩ mình đã được giác ngộ, và thấy mình ngang hàng với Thích Ca hay Bồ Đề Đạt Ma là bạn lầm. Ngôi vị này là thể hội ấm thứ 5. Đây là điều mà kinh Lăng Nghiêm nói “Hội nhập cái tịch lặng, trở về bờ mé của thức”… Đây là thức thứ 8 của chúng sanh. Thức này chính là nguyên nhân đưa đến luân hồi … Mặc dù thức này gần giống với bản tâm nhưng không phải là bản tâm”. Chính vì vậy, THẤY RỒI ĐÓ mà vẫn CÒN XA. Đạo lý vô cùng!

3. Cầu độc mộc và thuyền không đáy

Sau khi Kim Đăng kiếu từ, 4 thầy trò tiếp tục đi và gặp một con sông đang nổi sóng. Tam Tạng hoang mangï. Ngộ Không chỉ cây cầu trên biển nói “Cái cầu đằng kia, qua được mới thành chánh giác”. Nhin kỹ thì quả tình có một cây cầu độc mộc bắt vòng qua biển như một cái mống. Tam Tạng lắc đầu “Cầu này người phàm làm sao đi được. Kiếm ngõ khác cho xong”. Tôn Ngộ Không nói “Có ngõ khác đâu mà kiếm. Đằng nào cũng phải qua cầu này”. Nói xong, Tôn hành giả qua cầu rồi trở lại dắt Bát Giới. Bát Giới sợ hãi, một mực đòi đằng vân. Tôn Hành Giả nạt “Chỗ này là chỗ nào mà đằng vân giá vụ? Phải qua cầu này mới thành Phật được”.
 
Muốn vượt biển sanh tử đến bờ giác ngộ, chỉ có cầu độc mộc và thuyền không đáy mới có thể qua được.
 
Cầu độc mộc là cầu chỉ có một cây như cầu khỉ. Nhưng cầu khỉ còn thẳng, cầu này cong vòng không có điểm tựa. Muốn đi được cầu này, phải ‘độc hành độc bộ’ mới qua được cầu này. Không để tâm thức rơi vào nhị biên phân biệt, mới qua được cầu này. Muốn đến bờ giác, hành giả phải phá thẳng vào trí phân biệt của mình. Trí phân biệt là TƯỚNG ĐẦU trong LỤC THÔ của luận Đại Thừa Khởi Tín. Trí phân biệt không phá, thì không thể nói chuyện làm Tổ thành Phật. Như không vào được cửa Đại Thừa Khởi Tín hay Trung Luận thì khoang bàn đến Hoa Nghiêm. Đó là con đường duy nhất để hành giả tu Phật đến được bờ kia. Chính là cửa BẤT NHỊ trong kinh Duy Ma, BÁT BẤT của Trung luận, tất cả đều PHI của kinh Lăng Già v.v... Cầu này, thần thông không làm gì được. Dù thần thông bậc nhất như Mục Kiền Liên, cũng còn không xong, huống là thuật đằng vân của Trư Bát Giới.

Cầu tuy khó đi, nhưng nếu vững tâm quyết chí thì vẫn đi được. Một khi hành giả đã xác định tinh thần tu hành rõ ràng, như Ngộ Không từng quả quyết “Muốn làm Tổ thành Phật chỉ có đường này”, thì dù khó khăn bao nhiêu, mình vẫn qua được. Còn như Tam Tạng hay Trư Bát Giới, buông vọng vài keo đã thấy nặng nề, ức chế … tâm liền thối lui, khó mà đi được cầu này.

Tôn hành giả qua được cầu này, nên có tên là Ngộ Không. Ngộ ra tánh không của vạn pháp thì đi được cầu này không mấy khó khăn. Nhân và quả không lìa nhau.

Đang phân vân thì bỗng đâu có con thuyền trôi đến, Tam Tạng cả mừng, nhưng khi nhìn lại. thấy đó là thuyền không đáy, ông thất sắc nói “Thuyền không đáy đưa người sao đặng”. Người đưa đò nói “Thuyền này không tầm thường. Tuy là không đáy mà an vững …” Nghe vậy nhưng Tam Tạng vẫn dùng dằng, liền bị Tôn Hành giả xô ngay xuống thuyền. Sau khi bị xô xuống thuyền, thấy xác mình trôi lềnh bềnh trên sông, Tam Tạng qua đò đến được đất Phật, gặp được Như Lai, rồi theo tôn giả Ca Diếp và A Nan đến chỗ để kinh.
 
Bàng cư sĩ nói “Khó khó khó, mười tạ dầu mè trên cây, vuốt”. Khó vì tâm mình vốn quen an trụ. Luôn phải có chỗ để bám víu nương tựa, không dễ gì chịu buông để tâm trở lại trạng thái VÔ TRỤ của nó. Sợ trống vắng, sợ mất kiến giải sở trường, sợ tan thân nát mạng ... trăm ngàn cái sợ, trăm ngàn cái ngại, thành cầu đò luôn sẵn mà ít người đến được bờ kia. Nếu chưa một lần chết đi sống lại, cái mà người xưa nói “Tuyệt hậu tái tô”, thì chưa thể nào chiêm nghiệm được tánh Phật trong chính mình. Tánh Phật chưa nghiệm, thì quả Phật còn xa.

4. Văn phong của thiền sư.

Sau khi cho 4 thầy trò xem tủ đựng kinh, A nan và Ca Diếp nói với Tam Tạng “Thánh tăng Đông Độ đến đây thỉnh kinh, có nhân sự chi tặng bọn ta chăng? Có thì đưa sớm để ta phát kinh”. Tam Tạng nói “Đường xá xa xôi, đệ tử không có sắm sửa”. Tổ sư trả lời “Giỏi! Giỏi! Giỏi! Đi tay không thỉnh kinh về lưu truyền thì kẻ đời sau chết đói”. Tôn Hành Giả thấy vậy, đòi kiện Như Lai. A Nan liền ngăn “Đừng có rầy rà, chỗ này không phải là chỗ chơi, ra đây mà lãnh kinh”. 4 thầy trò lãnh được kinh, lên đường trở về Đông độ.
 
Ca Diếp và A Nan là hai vị Tổ đầu tiên của Thiền Tông. Ca Diếp là người được Như Lai chia cho nửa tòa ngồi, vì khi Như Lai đưa cành sen lên ở hội Linh Sơn, Ca Diếp là người duy nhất nhận được ý chỉ mà Như Lai nói. Chỉ yếu của Thiền Tông là “Bất lập văn tự, truyền riêng ngoài giáo, trực chỉ tâm người, thấy tánh thành Phật”. Tiếng hét của Lâm Tế, cây gậy của Vân Môn, ngón tay của Câu Chi … không hề thông qua văn tự kinh điển, nhưng không gì không phải là lời của Phật Tổ. Nó không khác cành sen trên hội Linh Sơn. Tâm tâm truyền nhau, ngay đó mà nhận, ngay đó mà tu, không qua kinh điển văn tự. Đơn giản, thẳng tắt, nhưng phải là hàng căn cơ bậc thượng mới nhận và sống được với tâm này. Ngàn kinh muôn luận, tám vạn pháp môn, chỉ với mục đích giúp người nhận được tâm này.

Nói về văn phong của người xưa, thường chỉ có văn phong của thiền sư là quái gở và khó hiểu. Tôn Túc sập cửa làm nát chân Vân Môn. Phổ Hóa vác hòm chạy khắp 4 cửa thành. Thiền sư Gessan, mặc lời biếm nhẽ chê bai của thiên hạ, luôn bắt mọi người phải trả tiền công rất cao cho những bức họa của mình v.v... Chẳng qua vì trí tuệ của chư vị không còn bị buộc ràng trong trí phân biệt, mọi hành sử không vì bản thân mà chỉ vì lợi ích của muôn người. Nên có khi, cái thấy phàm tình của người đời khó mà biện tới. Chính vì thế, một trong bốn “Y” của một hành giả tu Đại thừa là “Y pháp bất y nhân”.

Hồng Châu Thủy Lão, lần đầu đến tham bái Mã Tổ, bị Mã Tổ đòi lễ “Ông lạy trước cái đã”. Thủy Lão liền cúi xuống lạy. Mã Tổ đạp một đạp, Sư té nhào và hoát nhiên đại ngộ. Nếu khi Mã Tổ đòi lễ, Thủy Lão khởi liền cái thấy hướng ngoại như thầy trò Tam Tạng : Cho thái độ đó là ngạo mạn, thì việc đại ngộ hẳn không xảy ra. Cho nên, việc A nan và Ca Diếp trao kinh vô tự và đòi phẩm vật cúng dường - với cái nhìn của người đời là hối lộ gian lận - lại là chuyện thường tình dưới con mắt Thiền Tông.

Tôn Hành Giả có thể thấy yêu ma quỉ mị biến hành, có thể thấy tướng Phật hóa hiện, nhưng tâm của chư vị Thiền Tổ thì dò không tới, mới đòi bẩm báo với Phật Tổ. Mới thấy “Đốn ngộ tuy đồng Phật, đa sanh tập khí thâm”. Dù từng một lần đặt chân lên đất Phật, từng một lần chết đi sống lại, thì phần tập khí sở tri vẫn còn. Ngay cả hàng Bồ tát ở giai vị Thập địa vẫn còn phần sở tri vi tế ngu, nên chưa thể có cái thấy thấu suốt như chư Như Lai. Thành “Chưa ngộ như đưa ma mẹ. Ngộ rồi, như đưa ma mẹ” là vậy.
 
Phong cách Thiền sư thì rất đơn giản : Ngay đó liền nhận, không nhận thì thôi, không có gì để bàn tiếp. Bung ra một câu mà thấy thiền khách không nhận được, chư vị liền phủi sạch. Vì thế, A Nan nói với thầy trò Tam Tạng “Đừng có rầy rà … thôi ra đây lãnh kinh”.

5. Kinh vô tự và hữu tự

Khi nghe hai vị Tổ sư giao kinh vô tự cho thầy trò Tam Tạng, Nhiên Đăng Phật Tổ cười “Chúng tăng của Đông Độ u mê, coi sao ra kinh vô tự, thỉnh về làm sao dùng được, uổng công cho Tam Tạng”. Rồi sai người đi lấy về đổi kinh hữu tự. Nhưng do tránh thiết bảng của Tôn Hành Giả, Bạch Hùng làm kinh rơi vãi tứ phía. Lúc đó thầy trò Tam Tạng mới vỡ lẽ : Kinh mình thỉnh về chỉ toàn giấy trắng không chữ. Bàn tới bàn lui, 4 thầy trò quyết định trở lại gặp Như Lai, vạch cho ra thói hư tật xấu của chư vị Tổ sư .

Không muốn thí xả mà vẫn muốn nhận được kinh, thì chỉ có một loại kinh để nhận : Kinh vô tự. Kinh vô tự là chỉ cho nguồn tâm vốn sẵn trong mỗi chúng sanh. Không tu, không thí xả, không cần cúng dường gieo duyên, không màng đến phước báu, nó vẫn hiện diện đầy đủ. Chỉ do vô minh ngăn che mà không ai sử dụng được cái dụng vô bờ của nó. Nếu có thể ngay đó trở về, một bước thể nhập, ngay đó mà sống thì chỉ cần bảo nhậm, không cần phước nghiệp gieo duyên, tất cả vẫn tròn đầy. (Đã nói trong Truyền Tâm Pháp Yếu của thiền sư Hoàng Bá). Chư vị Tổ sư, nếu gặp được những vị thiền khách có căn cơ bậc thượng này, cũng không khuyên họ cúng dường, bố thí, nhẫn nhục … như Tuệ Trung Thượng Sĩ nói với Trúc Lâm đại đầu đà : “Giữ giới cùng nhẫn nhục, chiêu tội chẳng chiêu phước”. Có điều, loại kinh đó khó mà truyền thừa rộng rãi cho kẻ đời sau, nhất là vào thời mạt pháp, là thời mà người tu thích văn từ chữ nghĩa hơn giới luật tu hành, thích học vị hơn tu chứng, kinh vô tự khó mà vào được, nên A Nan kết luận “Giỏi! Giỏi! Giỏi! … thì con cháu đời sau chết đói”. Đó là lý do vì sao, không đưa phẩm vật ra, mấy thầy trò vẫn nhận được kinh mà chỉ là kinh vô tựï.

Nếu không phải là hàng căn khí có thể sử dụng được kinh vô tự của mình, thì phải theo lối mòn muôn thuở mà đi, là phải có tâm thí xả mới có thể nhận pháp tu hành. Xưa, đức Phật từng phải thí xả cả thân xác cho quỉ dữ chỉ để nhận một bài kệ bốn câu. Muốn thỉnh kinh học đạo, bước đầu của người tu là phải gieo duyên với Tam bảo. Thứ dễ nhất là cúng dường tài vật. Bởi không đủ duyên không nhận được pháp. Đương nhiên vật phẩm cúng dường không hẳn chỉ nằm trên mặt tài vật. Nó là những gì thuộc về phước hạnh. Ví thế, trên LÝ thì “Duy tuệ thị nghiệp” mà trên SỰ thì “Phước huệ song tu”.

Nói về mặt công đức, thỉnh kinh mà không biết thí xả tài vật thân tâm, nói chung là không biết thí xả ngã và ngã sở, thì công đức phước báu khó có. Vì phước báu không nằm trong giấy trắng mực đen, cũng không nằm trong việc thỉnh kinh, mà nó còn liên quan đến nhiều việc khác. Thỉnh kinh mà không làm theo những gì kinh dạy thì giá trị nhận được không có bao nhiêu. Thí xả công sức tài vật mới được phước báu phú quí. Thí xả thân tâm đến chỗ rốt ráo, mới nhận ra cái chân thường hằng lạc, hằng tịnh. Kẻ đi trước có biết thí xả thân tâm tu hành, thì việc truyền trao mới có giá trị. Không thì như kẻ mù dẫn người mù, con cháu đời sau không thể khá.

Chính vì thế, khi nghe Tôn hành giả bẩm tấu A Nan và Ca Diếp đòi của đút lót, Như Lai chỉ cười “Thôi đừng ta thán, ta đã biết rồi. Chỉ vì kinh này không thể khinh truyền, cũng không thể tay không mà có được kinh. Lúc trước, chúng tăng ở đây, có mang kinh xuống tụng cầu siêu cho gia đình Triệu trưởng giả … Triệu trưởng giả chỉ trả công cho ba đấu gạo trắng thêm chút vàng bạc. Ta vẫn nói trưởng giả bỏn xẻn, con cháu sau này ắt phải nghèo. Nay ngươi đến tay không, thỉnh được bản giấy trắng, đó là chân kinh vô tự rất quí. Chỉ vì chúng sanh Đông độ các ngươi ngu mê không ngộ, chỉ có thể dùng kinh hữu tự mà truyền, nên mới như thế”. Cái chỗ về tay không mà Như Lai nói quí đó, là chỗ thiền sư Nguyên Liễn hỏi Thủ Sơn Tỉnh Niệm ở Hà Nam “Học nhân đến núi báu, tay không trở về thì sao?” Thủ Sơn đáp “Hãy nhận kho báu nhà mình”. Ngay đó Nguyên Liễn đại ngộ và nói “Không còn nghi lời các thiền sư”. Nếu ngay đó nhận được, thì không có gì quí hơn. Nhưng lúc này hai thầy trò Tam Tạng đang thị hiện cho tầng lớp chúng sanh còn chấp vào tướng bên ngoài, không nhận được lý tâm tông mà Tổ Phật muốn chỉ bày, nên kinh vô tự trở thành vô dụng, chư vị Tổ sư mới thành những kẻ tệ ác phỉnh lừa, cảnh giới Phật mới thành lục đạo, yêu ma.

Kinh hữu tự, đương nhiên không bằng được kinh vô tự, dù cả hai đều là chân kinh. Do ứng với cái duyên là chúng sanh ngu mê ở Đông Độ mà kinh vô tự biến thành hữu tự, là loại kinh mình đang đọc tụng hay học hành ngày nay. Thứ gì ứng duyên mà hiện, thứ đó không mang tính chân lý phổ quát. Vì thế, sau khi bị nhận chìm trong biển trầm luân của chúng sanh, kinh nào cũng bị mất mấy chương sau. Nghĩa là, thứ gì còn thuộc ngôn từ chữ nghĩa, thứ đó còn thiếu chưa đủ. Chỉ là ngón tay chỉ mặt trăng. Nhờ ngón tay để thấy mặt trăng, ngón tay không phải là mặt trăng. Tuy kinh luận chưa phải chính là những gì Như Lai muốn mọi người hướng đến, nhưng phải nhờ đến kinh luận, mình mới biết đường tu hành mà nhận cho được những gì Như Lai muốn nói. Vì thế tuy kinh hữu tự không có giá trị bằng kinh vô tự, nhưng nó là thứ cần thiết cho chúng sanh thời mạt pháp. Cần thiết, không có nghĩa là rốt ráo. Chỉ là phương tiện, như thuyền đò đưa mình đến bờ kia. Cho nên, với một hành giả tu Phật, là tu để đạt được trí tuệ và đức tướng của Như Lai, mà công phu chỉ dừng ở mặt giới luật hay những tri thức có được từ kinh điển, thì chưa đủ. Chủ yếu vẫn là nhận ra bản tâm thanh tịnh của chính mình và sống được với nó. Đó là ý nghĩa vì sao sau khi rơi xuống biển, kinh nào cũng mất hết mấy chương sau. Mấy chương đó chính là bờ kia, là thứ mà luận Trung Quán đã nói “Tự biết không do ai, tịch diệt không hí luận, không khác không phân biệt, ấy gọi là thực tướng”
 
6. Tâm tham ái chấp thủ

Thiền sư Kim Bát Phong sau khi chứng ngộ, có thể buông hết mọi duyên tham ái, nhưng riêng một cái bát ngọc dùng cơm là rất yêu thích. Một lần, do tuổi thọ đã hết nên Diêm Vương sai mấy tên tiểu quỉ đến bắt Sư. Kim Bích Phong biết trước, nhập định giỡn đùa. Lũ tiểu quỉ không cách gì bắt được, mới hỏi kế Thổ địa. Thổ địa nói “Ông ta rất thích cái bát ngọc, nếu đụng đến nó, chắc ông ta xuất định”. Quả thật, nghe tiếng bát ngọc khua, Sư nóng tâm xuất định. Lúc đó mới biết, tham ái nhất thời có thể thiêu hủy huệ mạng của người tu, nên Sư đập nát bát ngọc, để lại một bài kệ rồi nhập niết bàn. Tu đến cỡ có thể tự tại với sanh tử như thế, mà còn dính mắc vào một cái bát ngọc, huống là kẻ còn đang chập chững trên đường. Mới thấy tâm chấp thủ vi tế khó mà lường hết.

Tam Tạng, khi bị tôn giả A nan đòi nhân sự cúng dường, không phải không có phẩm vật để cúng. Vẫn còn cái bình bát vua Đường ban tặng. Nhưng không hiểu vì không nhớ hay vì không muốn đưa ra mà nói ‘không có phẩm vật’. Người tu, có khi dám bỏ hết cuộc đời, chịu đủ thứ đắng cay để hoàn thành công hạnh của mình, nhưng rồi lại chấp vào những công hạnh đó mà không đến được bờ kia : Chìm mê trên đỉnh cao của những hình tướng bên ngoài, mà quên mất hình tướng bên ngoài dù rực rỡ phát triển bao nhiêu, cũng chỉ là phương tiện, chưa phải chính là chỉ yếu mà Như Lai muốn ta đạt đến. Bát ngọc là một vật rất thô, nhưng một người như Kim Bát Phong vẫn có thể dính mắc, huống là những thứ mang đầy tính Phật pháp như thỉnh kinh, dịch thuật, chùa chiền, học vị v.v…? Không thể không nhắc nhở sao?

Tất cả chỉ là PHƯƠNG TIỆN giúp mình và người đến được bờ kia. Pháp, nếu được sử dụng đúng với bản chất của nó, thì pháp pháp đều chân. Nhưng một khi nó được dựng lập, hãnh diện hay tôn xưng quá mức cần thiết, đến nỗi chỉ còn lều bều hình thức bên ngoài mà thực chất thì bị bỏ mặt, là mình đang đi lệch với những gì Như Lai đã nói. Cho nên, những hình ảnh mang tính phỉ báng trong Tây Du Ký, chính là lời nhắc nhỡ rất giá trị cho những ai tu Phật. Những hành giả mang trong mình lời nguyện “Thượng cầu Phật đạo. Hạ hóa chúng sanh … Đệ tử và chúng sanh, đều trọn thành Phật đạo”. Lời nguyện như một lời hứa, không chỉ với mình mà cho tất cả các chúng sanh hữu duyên với mình. Hình ảnh thầy trò Tam Tạng, do tập trung hết tinh lực cho việc thỉnh kinh, đã quên mất lời hứa với lão rùa già, một chúng sinh thấp kém, từng giúp ngài phương tiện đến được bờ kia, không phải là lời răn nhắc rất giá trị chonhững hành giả tu Phật đó sao? Đáng để nghiền ngẫm lắm chứ!

Chủ Nhật, 19 tháng 6, 2011

Điều kiện tu thiền




Một học tăng hỏi thiền sư Tịnh Thất : Trong thiền môn, phải hội đủ điều kiện gì mới có thể tiến vào thiền đạo? 

Thiền sư Tịnh Thất đáp :

Sư tử trong hang không thú khác
Voi chúa đến đâu bặt dấu chồn [1]

HỘI ĐỦ ĐIỀU KIỆN là xin cho con biết, muốn vào được cửa thiền thì cần phải làm những gì? 

THIỀN ĐẠO là chỉ cho tâm thiền. Phương tiện chút nữa là chỉ cho quá trình tu thiền. Thiền nói đây là chỉ cho Tổ sư thiền, không phải là thiền của Nhị thừa hay ngoại đạo. Vì sao? Vì học tăng hỏi pháp với thiền sư. Chỉ có Tổ sư thiền mới nói đến thiền sư. 

Thiền sư Tịch Thất không trả lời con phải cúng dường, ăn chay, ngồi thiền v.v… hay chỉ thẳng “Đối cảnh vô tâm chớ hỏi thiền”, mà làm hai câu thơ, trong đó chỉ nhắc đến sư tử và voi chúa. Song nếu là người đủ điều kiện nhập thiền, thì ngay đó, tâm thiền liền hiện. Song nghe rồi mà … trước ba ba sau ba ba, thì biết điều kiện của mình chưa đủ để một bước thể nhập tâm thiền. Chưa đủ thì cần phải hội cho đủ mới vào được cửa thiền.    

Sư tử và voi chúa, chỉ cho loài có sức mạnh. Một khi chúng có mặt, những loài khác đều qui phục hay mất dạng. Muốn bước vào cửa thiền, mình phải có điều kiện NHẤT như hình ảnh sư tử và voi chúa kia. Khi đã chọn được pháp môn tu hành, thì trước sau đều phải NHẤT. Nhất, là duy nhất một việc tu hành mà thôi, ngoài việc đó ra không còn việc gì khác. Nhất, là trước sau luôn kiên trì với pháp môn mình đã chọn. Niệm Phật thì phải niệm cho đến khi nhận ra thực tướng của niệm Phật. Tham công án thì phải tham đến cùng. Biết vọng không theo thì trước biết, sau biết …

Không phải chỉ NHẤT với những việc như thế, mà phải “NHẤT” cả nơi tâm. Thiền sư Thiên Cơ nói “Hạ thủ công phu tu thiền, tôi có một câu diệu quyết, chỉ bốn chữ kiên, trì, chánh, giác … Người phát chánh giác thì bản tánh tự nhiên hiển lộ, tất cả vọng tâm chẳng đợi đuổi dẹp mà tự hàng phục, ví như ánh sáng mặt trời vừa soi thì tối tăm liền sạch. Đây tuy bốn chữ, kỳ thật chỉ một chữ giác”. GIÁC, chỉ cho động tác BIẾT của mình. Một khi cái BIẾT xuất hiện, ngay lúc đó, vọng niệm suy nghĩ v.v… không còn. Dụng được cái biết như thế, là điều kiện đầu tiên để mình tiến vào cửa thiền. Người xưa nói “Chẳng sợ niệm khởi. Chỉ sợ giác chậm. Niệm khởi liền giác, giác nó liền không. Tùy GIÁC nhiều hay ít, mà tiến vào thiền đạo chậm hay mau, cạn hay sâu.             

Như vậy, những việc như bố thí, cúng dường, tụng kinh, nghe giảng, tham cứu kinh sách, sám hối hay dịch kinh luận v.v… nói chung, việc tu hành nào còn đặt nặng ở hình thức bên ngoài, thì nó chưa đủ để giúp mình bước vào cửa thiền. Nói chưa đủ, tức không phản bác các việc đó, nhưng chỉ lấy những việc đó làm SỰ NGHIỆP, thì cái gọi là tu thiền, mình chưa có phần. Nói đến tu thiền là phải ngay trên tâm mà tu. Tâm bực bội khởi lên, liền biết tâm bực bội đang có mặt. Tâm ghen ghét khởi lên, liền biết tâm ghen ghét đang có mặt. Biết để làm gì? Để cắt đứt, để ngưng dứt, không cho chúng nối tiếp thành hành động. Biết như vậy, cái BIẾT đó mới giá trị. Còn BIẾT tâm đang bực mà cứ bực. BIẾT tâm đang ghét mà cho ghét luôn, thì cũng là biết, nhưng là “Biết mà cố phạm”.[2]  Cố phạm thì tương lai sẽ mang lông đổi sừng. Thành BIẾT là để không theo, để dừng đi những cái nhân đưa mình đến khổ nạn, không chỉ trong hiện đời mà cho cả mai sau. Cho nên, dù làm bất cứ việc gì, dù đang bận bao nhiêu công việc, một khi tâm tham, tâm sân, tâm tật đố v.v… khởi lên, mà mình thấy được nó, định tỉnh dừng ngay, hoặc dừng chưa được, mà ý thức việc dừng là cần thiết, cần phải dừng cho được, thì cũng có nghĩa, mình có khả năng tu thiền. Nói có khả năng, vì đó là bước đầu cho thấy mình biết cách tu hành, dụng tâm. 

Muốn tiến sâu vào thiền đạo, việc dụng tâm cần được miên mật, không chỉ với niệm ác mà ngay với niệm vui, niệm buồn, niệm thiện v.v… Cứ có niệm là có biết. Biết mà nó không mất, thì phải suy nghĩ dụ khị sao đó cho nó mất. Cứ vậy mà tùy lực, tùy việc mà tu. Ít việc thì tu theo ít việc. Nhiều việc thì tu theo nhiều việc. Đi, đứng, nằm, ngồi, ăn uống đều tu. Duyên mình đến đâu mình tu đến đó. Càng dụng, cái biết càng bén. Lâu ngày chày tháng, đủ cơ duyên để miên mật, chánh giác sẽ hiện tiền. Là thể nhập thiền đạo. Tâm thiền hiển bày.   

[1] Trích Tinh Vân Thiền Thoại. Bản dịch của thầy Đạo Tâm.

 [2] Một học tăng hỏi thiền sư Triệu Châu “Con chó có Phật tánh không?”. Sư trả lời “Có”. Tăng hỏi tiếp “Đã có Phật tánh vì sao còn chui vào trong đãy da?”. Triệu Châu trả lời “Vì biết mà cố phạm”.  

Huân tập


HUÂN TẬP, từ này được dùng rất nhiều trong Phật pháp, nhưng vì là từ chuyên môn nên ngoài đời mình ít được nghe. Giờ nghe cho biết. Cứ đọc mãi những thứ dễ hiểu, trí mình không phát được. Thôi thì làm quen với nó từ từ. Tuy ngữ từ là riêng của Phật học, nhưng ý nghĩa và tác dụng của nó thì không xa lạ với cuộc sống thường nhật của mình. Phật pháp đâu lìa dòng đời mà xa lạ. 

Trà vốn không có mùi thơm của hoa, nhưng đem ướp lài thì có mùi lài, đem ướp sen thì có mùi sen. Lấy long não để trong áo quần thì đi đâu người mình cũng đầy long não. Hình thái ướp mùi đó gọi là huân tập. Thứ gì từ bên ngoài mang vào, lâu dần trở thành như chính mình, đều là hình thức của huân tập. 

Mọi thứ ở thế gian này vốn không, ngay cái thế gian này cũng không. Chỉ do 2 chữ HUÂN TẬP mà thành có. Tư tưởng, tình cảm cho đến hành động, tất cả đều từ sự huân tập này mà ra. Có điều, mình chỉ chiêm nghiệm được những gì trong hiện tại nên mình không thấy được quá trình huân tập từ vô thủy kiếp đến nay. Nắm được hai từ huân tập này, mình có thể biến cát thành vàng. Nói vậy sẽ có nhiều người, rất nhiều người muốn biết huân tập là gì.

Thiền sư Kitano Gembo qua đời vào lúc 92 tuổi. Suốt đời, ông cố gắng không để mình vướng mắc vào thứ gì. Một lần đang lang thang thì gặp một du khách hút thuốc. Ông được mời một điếu. Kitano nhận lời và nghĩ thầm “Hút thuốc thật thích thú!” Nhưng ông không bao giờ lặp lại điều đó lần hai, chỉ vì “Những vật thích thú có thể quấy phá thiền định. Trước khi đi xa hơn, tốt nhất hãy dừng lại bây giờ”.

Năm 23 tuổi, Kitano học Kinh Dịch. Ông đã áp dụng thuật bói toán trong Kinh Dịch để xác minh những điều mình muốn biết. Rồi ông chợt tỉnh “Nếu ta cứ làm cái việc xác quyết với Kinh Dịch thế này, ta có thể chểnh mảng việc thiền định”. Kitano từ bỏ Kinh Dịch và không bao giờ sử dụng đến năng lực huyền bí đó.

Năm 28 tuổi, Kitano học viết chữ nho và làm thơ. Kitano trở nên thiện nghệ với các môn nghệ thuật này. Ông nghĩ “Bây giờ nếu không dừng lại, ta sẽ là một thi sĩ chứ không phải thiền sư”. Vì thế ông không bao giờ làm thơ nữa.

Không dừng lại, nghĩa là ta đang huân tập việc làm thơ vào trong tâm thức của mình. Thứ gì được huân tập nhiều, thứ đó sẽ thành thói quen. Đã thành thói quen thì nó có lực dẫn mình theo nó. Huân càng sâu, thói quen càng bền bỉ. Thói quen chính là nghiệp. Nghiệp chính là nghề. Vì thế “Không dừng lại, ta sẽ thành một thi sĩ chứ không phải thiền sư”. Thi sĩ một khi trở thành nghiệp dĩ đời mình thì “Trong cơn trường mộng, lại sinh mộng. Giữa giấc mơ say, lại thấy mơ”. Thiền là để tỉnh mộng, để nhìn cho được bản chất thực của những thứ ở thế gian đây, trong đó có thân và tâm mình. Giờ mơ chồng mơ, mộng chồng mộng thì thiền nớ không phải là Thiền tông mà là thiền ba rọi.

Trong đời thường đây, thứ gì mình đã thích thì thứ đó đã có một quá trình huân tập sâu xa trong tiềm thức của mình. Thứ gì trở thành thiện nghệ với mình, thứ đó đã được huân tập trong nhiều đời trước. Vì sẵn có cái chủng đó trong tiềm thức, nên gặp lại cái duyên ấy mình mới thích. Thích mà tiếp tục tiến nữa thì nó trở thành điêu luyện và thiện nghệ. Vì thế thiền sư Takino nói “Những vật thích thú có thể quấy phá thiền định”. Thiền là để bỏ đi những tập tục tồn động trong mình mà giờ làm cho nó thành thiện nghệ điêu luyện thì không phải phá đi sự thiền định của mình là gì.

Cũng vì cớ sự đó mà tổ sư nhà tôi trước giờ một chữ Phật cũng không biết, một bữa chay kham không vô, đùng một cái đóng cửa phòng chay tịnh. Bởi chủng duyên tu hành đã có từ trước. Cái chủng duyên ấy không dính đến câu niệm Phật, cũng không dính đến những hình thức trong đạo Phật, mà dính đến 7 chỗ tìm tâm trong kinh Lăng Nghiêm. Vì thế chạm đúng cái duyên ấy, chủng tử cũ phát ra, mọi thứ liền hiện hình.

Việc đời cũng không khác. Thứ gì được huân tập nhiều, thứ đó sẽ hiện hình khi đủ duyên. Nhà bác học Eistein, ngày còn bé thường lầm lì và ít nói. Đến 7 tuổi ông cũng chỉ nói được những câu rất ngắn. Không có triệu chứng gì của một người lỗi lạc. Một hôm, cha ông mang từ xưởng về nhà một chiếc la bàn. Enstein chăm chú nhìn rồi quay đi quay lại dụng cụ ấy. Quay gì thì quay, vẫn thấy kim la bàn hướng về một phía nhất định. Enstein la lên “Chung quanh kim la bàn phải có cái gì đó làm cho nó quay”. Chủng vật lý được huân tập từ bao kiếp trước giờ đủ duyên nẩy mầm. Mấy chục năm sau ta có nhà bác học vĩ đại Einstein.

Tác dụng của việc huân tập

Việc huân tập có tác dụng tạo ra thói quen và để lại dấu ấn trong tâm thức như thế, nên chư Tổ mới lập ra tùng lâm, người đời mới có trường học. Trường học là nơi giúp người đời huân tập kiến thức và đạo đức cần có của một con người. Tùng lâm giúp ta phá bỏ thói quen ăn, uống, ngủ, nghỉ thường tình của người đời. Không ai ngoài đời mà 10 giờ đêm đi ngủ, 3 giờ sáng dậy ngồi thiền. Những gì mà một thiền sinh phải thực hành, chính là tạo ra một thói quen mới cho mình. Thói quen mới này giúp mình phá bỏ thói quen đời và tương ưng hơn với tự tánh thanh tịnh của mình. Kỹ luật của tùng lâm chính là điều kiện rất tốt để những thứ bá vơ bá vẩn không có điều kiện để lại dấu ấn trong tâm thức của mình. Một hình ảnh xấu, một thói quen đời, một lời không hay không có chỗ để xuất hiện trước một tên tâm thức quá háo khách.

NHẬP THẤT cũng là một hình thức huân tập. Chính là để mình quen dần với cái tịnh, bỏ dần cái động. Tịnh không phải là chỗ rốt ráo của người tu thiền, nhưng một khi nó trở thành thói quen, thì cũng có nghĩa là thói quen động đã giảm bớt. Thân tâm phải qui về một mối bình yên, mới thể nhập được cái KHÔNG ĐỘNG CŨNG KHÔNG TỊNH. Sống được với cái KHÔNG ĐỘNG KHÔNG TỊNH đó rồi, mình mới có khả năng tùy duyên với vạn sự vạn vật đúng với nghĩa nó đã mang. 

Huân tập tạo ra nghiệp lực

Thói quen đạo một khi đã mạnh thì nó có lực dẫn mình đi trong đường đạo nhiều hơn đường đời. Đạo là thứ mang lại hạnh phúc cho mình. Đó chính là động lực giúp mình không rời khỏi đường đạo dù trồi lên trụt xuống bao nhiêu. Đời có nghiệp lực của đời thì đạo cũng có nghiệp lực của đạo.

Khổ là động lực đẩy tôi đến với đạo. Đại thừa đốn giáo là chủng nhân giúp tôi đến với Tổ Sư Thiền. Tu, phát tâm với niềm đam mê rất mãnh liệt nên công phu của tôi khá miên mật. Song trên lý, thấy gì cũng hay cũng dễ, nhưng đụng thực tế, không có thứ gì dễ với mình. Cũng tại mấy chục năm làm đàn bà. Chưa kể những tập tục còn ẩn sâu trong tiềm thức của mình. Cái thói đàn bà thành công chừng nào thì việc tu hành càng trở ngại thê thảm chừng nấy. Thứ gì thuộc tình cảm, nó có chiều hướng đình trệ không thanh thoát. Tình càng nhiều, khí càng dữ, ngồi thiền càng nặng. Càng miên mật, khí dồn càng ghê. Cái chướng nơi thân quá nặng nề. Không có phút giây phát tâm mãnh liệt ấy, không dễ gì chịu đựng với những trạng thái ngạ quỉ. Song nỗi đam mê có thể giúp mình chịu đựng tất cả. 

Đam mê chính là năng lực giúp mình chịu đựng khó khăn, nhưng cái LỰC của nghiệp, đương nhiên là nghiệp đạo, mới là thứ giúp mình vượt cạn. Không có phần nghiệp lực này, mình sẽ đầu hàng vô điều kiện với việc tu hành. Vọng một khi bị giác miên mật thì khí cũng theo đó mà mờ mịt. Đầu óc luôn trong tình trạng căng thẳng. Đang từ 52 ký, xuống chỉ còn 42 ký. Giấc ngủ luôn chập chờn. Bởi vọng trồi đầu là cái biết liền có mặt. Đầu óc cứ sáng rực như thế suốt mấy năm liền. Sức khỏe sút giảm. Tôi muốn từ bỏ mọi thứ. Không còn sức để làm Phật. 

Nhưng mọi thứ không có gì theo mình. Mình giống như con khỉ ngồi trên lưng cọp. Muốn buông cũng chỉ nhăn răng ngồi lì cho qua cơn hoạn nạn. Không muốn tiếp tục nhưng không thể leo xuống. Nghĩa là, không phải đời mới có nghiệp lực mà tu cũng có nghiệp lực. Có huân tập là có nghiệp lực. Nhờ cái nghiệp đạo ấy, mình mới phá được cái nghiệp đời. Cái lực ấy cứ đẩy mình đi không cho mình dừng lại nửa chừng. Thành việc quan trọng của người tu là cố gắng tạo cho mình thói quen đạo càng nhiều càng tốt. Thói quen một khi đã mạnh, nó sẽ là động cơ giúp mình không rời đường đạo. Nói theo phu nhân Thắng Man là, CHÁNH PHÁP ĐANG NHIẾP THỌ MÌNH. Chánh pháp mà nhiếp thọ rồi, mình làm bậy mình sẽ bị quả báo liền tay. Nhờ vậy mình không còn làm bậy. Ác đạo có hiện, chẳng qua là do hạnh nguyện của mình mà thôi. 

Ai cũng thích thiền bởi thiền có phần tùy duyên rất phóng khoáng. Nhưng chui đầu vào đó rồi, nắm được việc huân tập cũng như thói quen nói đây, mới hiểu cái phóng khoáng mà chư vị thiền sư có được, là cái quả của một quá trình gian khổ. Nếu hiểu cái LỰC của thói quen và việc HUÂN TẬP có tác dụng thế nào, không ai dám nói về việc tu hành như những nhà thưởng ngoạn, cũng không dám mở miệng nói 2 chữ tự tại tùy duyên khi cuộc sống của mình dính liền với tham dục và những thông lệ đời thường. Tu mà coi thường và sống vẩn vơ theo những “thông lệ” đó, thì cái gọi là tùy duyên chỉ là cái quả của những thói quen đời. Tùy duyên như thế, chỉ giúp mình huân tập nghiệp đời càng chắc. Sai một ly liền đi trở ngược. Mình tưởng mình tùy duyên như các vị thiền sư chính thống, nhưng thật là đang nuôi dưỡng nghiệp đời càng mạnh. Xuôi tay thì mọi thứ theo nghiệp mà đi. Mở mắt, đã thấy lênh đênh chốn chợ đời. Càng tùy duyên càng đổ nợ ...

Sự huân tập là bình đẳng ...

Một suy nghĩ dù tốt hay xấu, một khi được huân vào tâm thức đều đặn, sẽ để lại dấu ấn như nhau. Thứ nào được huân tập nhiều thứ đó để lại dấu ấn nhiều. Thứ nào được huân tập ít, thứ đó để lại dấu ấn ít. Việc huân tập là bình đẳng. Không kể thứ đó là thiện hay bất thiện, có huân tập là có để lại dấu ấn trong tiềm thức. Thứ mà người đời gọi là tánh sân, tánh tham ... chẳng qua là thứ được huân tập trong nhiều đời nhiều kiếp của mình. Nói “Tập lâu thành tánh” là vậy. Một khi dừng nghỉ không huân tập nữa thì cái gọi là tánh đó sẽ mất, không có gì trường tồn bền vững như mình tưởng.

... Nhưng cái quả thì khác nhau.

Huân tập thì bình đẳng nhưng cái quả mà mình nhận được từ việc huân tập thì không như nhau. Cái quả nói đây là chỉ cho kết quả của một thói quen. Huân tập tạo ra thói quen. Khi đã thành thói quen, thói quen lại có một lực đưa mình tới cái quả của nó. Mình tập cho con trẻ tấm lòng vị tha đối với muôn người. Một khi sự vị tha đã thành thói quen, mình sẽ có một đứa con trưởng thành với tấm lòng vị tha. Tấm lòng vị tha ấy sẽ đưa đến cái quả an vui cho nó. Theo gốc độ nhân quả ba đời, lòng vị tha ấy sẽ tạo cho nó một thân tướng với hoàn cảnh tốt đẹp trong những kiếp sau. Ngược lại, bạn tập cho con trẻ sự vị kỷ thì bạn sẽ có một đứa con trưởng thành với tính vị kỷ. Tính vị kỷ ấy thường đưa đến kết quả khổ đau trong hiện đời mà cũng là cái nhân cho những cái quả bất hạnh về sau. Sự huân tập là bình đẳng nhưng tùy cái duyên là thiện hay bất thiện mà ta có cái quả là lành hay dữ trong tương lai.

Ngày nay vấn đề nhân quả bị bỏ mặc. Rất ít người biết về nhân quả. Cũng không ai có thì giờ quan tâm đến tác dụng của việc HUÂN TẬP. Chính vì thế, từ gia đình cho đến xã hội, ít ai quan tâm tạo cho trẻ những thói quen tốt trong suy nghĩ và hành động. Chỉ biết huân tập cho trẻ tính vị kỷ và để chúng thoải mái với những ưa thích của mình. Tranh ảnh, sách báo, bạo lực cứ tới tấp huân tập vào đầu trẻ. Không hiểu rằng, làm vậy là đang tập cho trẻ những thói quen xấu. Thói quen xấu sẽ đưa đến một cái quả không tốt. Đây là lý do vì sao ngày nay, sự bạo tàn có thể xảy ra cả với trẻ chưa đến 10 tuổi, con giết cha, em giết anh, chồng giết vợ, bạn bè thanh toán lẫn nhau. Một phần là do cái nhân từ đời trước, một phần do cái duyên ở hiện đời bị bỏ mặc, cái quả xảy ra mới như vậy. 

Cho nên, không thể nào không cảnh giác với những thứ đang thu vô của mình. Thứ gì lúc đầu chẳng như thoáng mây? Chỉ vì xem thường mà thành khối nợ ở trần gian. Khổ đau theo đó mà thành suối. Thử một lần nhìn lại, để vượt qua.