Thứ Tư, 21 tháng 11, 2012

Chăn trâu





Mỗi lần lên rẫy về, tôi thường thả chân ngồi trên tảng đá này nghỉ mệt và hưởng cái thú mà ở thành thị không có. Đứng ở ngọn tháp nào để có thể nhìn thấy những nóc chùa đỏ lẫn trong lá chuối xanh và những đám thanh long xanh rì thẳng tắp? Ngồi ở đâu để có thể thấy những hàng đường đất ngoằn ngèo, lộ rõ trên nền trời xanh, mây trắng lững lờ trôi?    
Mơ ước của tuổi thơ không có chuối xanh và rừng rậm, chỉ có danh vọng tiền tài và những chốn cao sang. Một cuộc sống sung túc với một sự nghiệp vẻ vang là mộng mơ của phần lớn người đời. Ít ai nghĩ đến cuộc sống bình yên nơi thôn dã. Xa vời hơn, với chuyện quay về an trú tự tâm thanh tịnh của chính mình. Nói “Tức tâm tức Phật” có người ngơ ngác hoài nghi, không biết phát ngôn có loạn? Cho nên, phố thị phồn hòa dù mệt mỏi, ngán ngẫm rồi, cũng chỉ biết tìm chốn chùa chiền hay rừng sâu nước đọng nương thân. Hai bữa cơm canh đạm bạc qua ngày. Tránh sự hơn thua ồn náo chốn chợ đời. Đào luống rau, xới luống hoa, nhìn cây xanh lớn từng ngày, cảm nhận một chút an bình nơi thôn dã. Cây rừng không biết nói nên không có nặng hay nhẹ. Chim hót không đụng đến cái tôi nên không thấy vơi hay đầy. Bình yên nhờ chốn thanh bình. Không nói đến chuyện chăn trâu, không biết có trâu để chăn, không biết thằng chăn là gì. Vậy nhưng không phải ai cũng làm được. Bởi tâm chưa nguôi để thấy cảnh tịnh không buồn. Không thể rời duyên gia đình mà qui chốn Tổ hưởng sự bình yên.
Kẻ được nhiều phước duyên, nghe nói nhiều đến trâu. Du hí đến đâu cũng thấy thằng chăn ngộ nghĩnh lơ lững trên tường mười bức. Cũng tin trâu đen nhà mình đang quậy lúa mạ của người. Nhập cuộc chăn thử chỉ thấy một nùi, không biết cái gì là trâu, cái gì là chăn… Không biết bắt đầu từ đâu. Quay ra hướng vào là việc thế nào? Một câu niệm Phật ngày xưa đâu có phân trâu, phân chăn. Chỉ cần niệm Phật. Chỉ cần nghe tiếng niệm Phật, không gì ngăn ngại, không gì cần phải quán xét, chỉ cần thay vì nói chuyện thì ta niệm Phật. Cứ thế mà niệm, ăn uống ngủ nghỉ, đi tiêu, đi tiểu, một câu niệm Phật thầm thầm không dứt. Khối việc nhiệm mầu cũng đã xảy ra. Đâu cần phải chăn. Đâu cần biết trâu. Quay ra rồi lại quay vào, trâu nằm chỗ nào? Sao thấy mệt quá! Thành ra được duyên nghe trâu nghe chăn mà tìm ra trâu để chăn không phải dễ làm. Mới hay
Mênh mang vạch cỏ bỏ công tầm
Non nước đường thênh xa dấu tăm
Tận lực lao tâm tìm chẳng thấy
Chỉ nghe gió quyện tiếng ve ngâm[1].
Sờ sờ trước mắt mà không nhận ra thì đâu khác gì cách biển ngăn sông, núi non hiểm trở, đường thêm vun vút nào thấy chốn về.  
Chuối mùa này xanh rợp. Buồng ra cũng nhiều. Nhiều bao nhiêu thì mỗi cây chỉ cho một buồng. Hạ buồng xuống thì phải chặt cây. Nó tạo cái thế không cho người ta nắm giữ. Giữ lại không lợi. Giá mình thấy được cái thế vô thường nó tạo cho mình lợi ích thế nào để không chấp thủ vạn pháp thì đâu đến nỗi bương chải dành giựt. Nhưng thâm sâu quá chẳng thấy được gì. Chỉ muốn nắm bắt mọi thứ.  
Cây mắc mèo vươn mình bò lên thân chuối, chỉ cần một vài trận mưa, nó đã lên đến đầu đọt. Quắp được đọt rồi bẻ quặc, trùm hết. Vươn mình nhởn nhơ trước nắng. Quên mất cái thân tầm gởi nương tựa của mình nhờ đâu mới vươn lên được. Cái chốn mình nghĩ bình yên, té ra cũng chẳng bình yên. Con giun oằn mình tránh đàn kiến nhỏ. Châu chấu xanh um chỉ còn cái đầu, râu vẫn ngo ngoe. Trong cõi Dục này, dục là động lực, tranh dành cấu xé lẫn nhau không nguôi. Chỗ nào mới thật bình yên khi tâm chưa hết dục tình?
Yunghahn kể rằng, ông thấy ở Java, một cánh đồng dài đến vô tận chất đầy xương trắng. Ông tưởng là bãi chiến trường. Nhưng không, là xương các con rùa lớn vào đó đẻ trứng. Chúng bị đàn chó lật lên ăn thịt. Rồi đàn chó hoang bị hổ ăn thịt. Cứ vậy nhân quả xoay vần thành đống xương khô. Còn kiến Úc châu, nếu bị cắt đôi thì đuôi và đầu trở thành đối thủ. Cái đầu dùng răng giữ lấy cái đuôi. Cái đuôi tự vệ bằng cách châm chích cái đầu. Cuộc chiến kéo dài đến khi cả hai cùng chết hay bị con khác lôi đi.[2] Khối chuyện để nói trong cõi Dục này. 
Đọt chuối bị quắp, châu chấu bị xơi… chỉ có chừng đó, vậy mà dẫn mình đi ngược quá khứ, đến tận Châu Úc một thời xa tít mù khơi. Thằng chăn không tỉnh, trâu ta tự do bay nhảy không tự quay đầu bao giờ. Nó dong ruỗi mãi đến khi ta ngủ, vẫn còn rục rịch trong mơ.
Suy nghĩ liên tục trong đầu. Nhớ thương ray rứt trong tâm. Chợt vui. Chợt buồn. Hoài niệm quá khứ. Phát họa tương lai. Khi thấy trống vắng. Lúc lại mong cầu... Bạn có như thế? Hình dạng trâu đen đó bạn. Một con trâu đen rất khó khống chế. Một khi bạn nhận ra được những gì hiện diện trong tâm, bạn đã tìm thấy con trâu nhà mình. Dù thiện hay ác nó đều là trâu. Còn “cái nhận ra” chính là thằng chăn.
Chỉ cần nhận ra những gì hiện diện trong đầu (tâm), lúc ấy con trâu thằng chăn đều đủ. Không cần quay về tìm kiếm thằng chăn. Tìm được, thằng chăn liền thành con trâu, tìm chi! Cho nên chỉ nói tìm trâu, không nói phải tìm thằng chăn. Chỉ cần thấy trâu, ngay đó thằng chăn đã có. Bởi không thằng chăn thì ai thấy trâu bây giờ? Thành ra chỉ cần thấy trâu là đủ cả hai. Duyên khởi, năng - sở đâu có lìa nhau[3].   
Thấy được và nắm cho được để chăn, không phải là một.
Thấy được không dễ mà chăn cho được càng khó.
Khó mà không chăn, thênh thang sáu cõi chưa biết sẽ vào cõi nào. Cái khổ Phần đoạn, Biến dịch vẫn cứ triền miên. Thành khó bao nhiêu cũng phải “ Kiệt hết thần thông bắt được y”.[4] Bắt rồi, “Tâm hùng sức mạnh khó trừ liền”.[5] Nói lên cái khó thuở đầu dụng công. Cực nhọc vô cùng. Nhận ra, thoáng chút rồi mất. Bởi vì niệm này nối tiếp niệm kia không dứt. Cái lực tương tục lúc ấy rất mạnh. Đại Thừa Khởi Tín gọi nó là “Thức tương tục”. Bắt được thì nó tạm ngưng. Ngưng rồi nối tiếp không ngừng. “Có khi vừa đến cao nguyên đó / Lúc lại chui vào chốn khói mây[6]. Thấy đó mà giữ không được. Giữ được lại thấy nhức đầu, phải buông. Từ “không” hóa “có” là do cái lực hung hãn của nó, thì biết đâu phải là thứ dễ chăn. Tha thiết tận lực chăn nó, cũng không một sớm một chiều nó chịu thuần cho. Cho nên, cần tâm trường viễn, cần tâm sống chết…
Có người bỏ cuộc nửa chừng. Bảo rằng vọng nhiều mệt mỏi, không thể làm chủ, nó không chịu yên. Không biết được rằng, nhận thấy vọng nhiều là chăn nhà mình đã tỉnh giác hơn. Thành đến được đó, xin đừng bỏ cuộc, cần phải dốc sức tiến nữa. Hoàng Bá từng nói:
Học đạo do như thủ cấm thành
Khẩn bả thành đầu chiến nhất trường
Bất thọ nhất phiên hàn triệt cốt
Chẩm đắc mai hoa phác tị hương
Học đạo giống như việc giữ thành. Phải dốc hết lực mà đánh một lần. Không phải là việc có thể tà tà, thưởng ngoạn xem hoa. Hai câu đầu được dịch rất hay (dù có hơi thoát trên mặt văn từ): “Vượt khỏi trần lao việc chẳng thường/ Đầu dây nắm chặt giữ lập trường”[7]. Việc đời, nếu không lập chí dồn lực còn khó thành công, huống là tu đạo? Dồn lực, thằng chăn mới thành lão luyện, trâu đen mới hết lực hung.
Chăn trâu, không gì khác hơn là làm cho trâu mất đi lực hung của nó. Nghĩa là “khiến chân có lực mà vọng không lực”[8]. “Chân”, chỉ cho cái dụng của chân thể. Nó thuộc về trí Thủy giác mà luận Đại Thừa Khởi Tín đã nói.
Vọng y chân[9] mà khởi, nhưng vọng không phải là chân. Nói theo luận Trung Quán là “Không một cũng không khác”. Cho nên, tuy ngay vọng có chân mà vọng không phải là chân. Lập trâu, là muốn chỉ riêng phần vọng tâm, không phải chỉ chung cho cả chân lẫn vọng. Nếu chung cả chân lẫn vọng thì khi trâu mất, chân cũng mất theo, nhưng chân không mất. Luận Đại Thừa Khởi Tín nói: “Nói diệt, chỉ là tướng của tâm diệt, không phải thể của tâm diệt”. Thành biết, nêu trâu là chỉ cho phần vọng tướng do mê mà có. Thằng chăn, biểu trưng cho phần dụng của chân thể. Nói chân thể, cũng do đối với tâm vọng động mà nói, còn thể tánh ấy không chân cũng không vọng. Khi trâu mất, dụng thu, thể tánh bất sinh bất diệt hiển bày. Đó là lúc trí thủy giác hợp nhất với bản giác.
Đại sư Hám Sơn nói: “Nay mới dụng tâm, cần đề khởi nhất niệm này làm chủ. Do lực quán chiếu của nhất niệm này, chỉ cần thấy được chỗ vọng tưởng khởi, nhất niệm lập tức chiếu phá, không để vọng tưởng tương tục. Đây là chỗ ngài Vĩnh Gia nói “đoạn tâm tương tục”. Chủ yếu của việc tham thiền là không để mất nhất niệm này. Song khi vọng tưởng đã diệt, nhất niệm này cũng phải bỏ. Vì nhất niệm này chỉ do trừ tưởng mà lập” [10]. Một đoạn ngắn đó, diễn bày đầy đủ quá trình chăn trâu, từ khi mới chăn, đến khi trâu thuần rồi mất. Trâu mất, người chăn cũng buông. Buông được, liền có tin tức. Là chỗ mà kinh luận nói “Trở về nguồn cội”. Là chỗ mà chư Phật và chúng sinh đồng y. Mê thì bất giác thành chúng sinh. Ngộ thì thành Phật và Bồ-tát.
Quá trình trên, có thể diễn ra trong một đời, cũng có thể kéo dài vài chục kiếp v.v… nhưng có khi chỉ diễn ra trong một thời tọa thiền. Trong thời tọa thiền, nếu quá trình ấy xảy ra thì ta có tin tức. Song để có được điều đó thì việc dụng công hằng ngày phải được miên mật. Làm việc, ăn cơm, uống nước, đi tiêu, đi tiểu, và ngay cả trong giấc ngủ, kẻ chăn không rời con trâu.
Có người thắc mắc: “ Đã biết vọng tưởng là vọng, vì sao phải trừ?”.
Việc này đã được đại sư Hám Sơn giải thích trong luận Đại Thừa Khởi Tín Trực Giải: “Tất cả chúng sinh mê chân tâm mình, một bề chỉ nương vọng tâm làm việc. Nên nay tu tập, lấy việc trừ tưởng làm đầu. Vọng tưởng không tánh vì sao phải trừ? Tất cả các niệm thuộc tưởng đều trừ”. Phải trừ, vì do lâu nay chúng sinh tưởng vọng là chân, tập lâu thành tánh mất rồi[11]. Nên tuy là vọng mà nó có lực sai sử, dẫn ta luân hồi sinh tử triền miên. Giờ tuy có tỉnh, nhưng lực tương tục của nó vẫn còn. Dạy người dụng công  trừ niệm chính là phá đi cái lực tương tục quá mạnh của nó, đến khi nó hiện nguyên hình là vọng. Vọng đúng là vọng thì không còn lực trói buộc chúng ta. Như trâu đã thuần, bảo đứng thì đứng, bảo nằm thì nằm. Như chim bay trong hư không, không để dấu vết. Được vậy thì không cần trừ. Cũng không nói trừ hay không trừ. Nếu chưa được vậy thì theo thứ lớp mà chăn con trâu nhà mình. Trâu thuần, thế giới mình an. Tổ Trúc Lâm có kệ:
Tịnh độ là lòng trong sạch
Chớ còn ngờ hỏi đến Tây phương
Di Đà là tánh sáng soi
Mựa phải nhọc tìm về cực lạc.[12]
Tìm đâu thật chốn bình an mà không quay về chăn trâu nhà mình?  


[1] Thập Mục ngưu đồ. Tranh (1): Tìm trâu.
[2]Schopenhauer - Câu chuyện Triết học – Will Durant – Trí Hải và Bửu Đích dịch.
[3] Năng, chỉ cho chủ thể nhận biết. Sở, chỉ cho đối tượng được nhận biết.  
[4] Thập mục ngưu đồ, tranh (4): Được trâu.
[5] Thập mục ngưu đồ, tranh (4): Được trâu.
[6] Thập mục ngưu đồ, tranh (4): Được trâu.
[7] Cs Trần Tuần Mẫn.
[8] Phần “hữu lực và vô lực” của Tổ Hiền Thủ. 
[9] Chân nói đây, chỉ cho thể tánh bất sinh bất diệt. Cần hiểu chân vọng theo tinh thần Duyên khởi. Có thô có tế.     
[10] Đại Thừa Khởi Tín Luận – Đại sư Hám Sơn trực giải.
[11] “Tập lâu thành tánh “, lời của Tổ Hiền Thủ trong Hoa Nghiêm Kinh Thám Huyền Ký.
[12] Cư Trần Lạc Đạo Phú – Thiền Sư Việt Nam – HT Thích Thanh Từ.

Thứ Sáu, 19 tháng 10, 2012

Câu chuyện góp ý





Nhận được cú điện thoại của cậu bạn nhỏ. Hắn nói vẫn đọc bài tôi viết trong báo Giác Ngộ. Nhưng bạn hắn thì chê, nói dài. “Ngày xưa bài cô viết ngắn mà súc tích, giờ sao dài vậy cô”. Ừ, ừ để rút kinh nghiệm.  
Ngày xưa viết bài ngắn, người ta nói sao chỗ này viết tắt quá, không hiểu. Giờ trích kinh trích luận, phân tích rõ ra, bài thành dài, thiên hạ thấy ngán, không đọc. Mình giống như hai cha con cưỡi lừa trong câu chuyện ngụ ngôn của Mỹ, leo lên cũng không xong mà leo xuống cũng không xong. Trong cái thế giới nhị biên này, nghe người góp ý mà thay đổi thì không biết khi nào mới hết đổi thay. Tuy vậy, tôi rất thích những lời góp ý (dù đôi khi cũng thấy lùng bùng). Cũng hay làm theo lời góp ý. Bởi lời góp ý luôn có phần giá trị nhất định của nó. Dù không đúng chăng nữa, đó cũng là cái duyên để mình hiểu được tâm trạng và cách nhìn nhận vấn đề của một con người. Cũng là điều kiện để mình có cơ hội giải thích hoặc làm đề tài cho một bài viết mới khi đầu đang rỗng tuếch.
Góp ý, tôi thấy việc đó thật lợi ích cho đời sống cá nhân, gia đình và xã hội. Lợi ích, vì không ai là thánh nhân, nên trong lời nói, việc làm, viết lách v.v… thế nào cũng có ít nhiều sai sót không thể tránh được. Một người đã nhận ra và nói cho mình biết, thật là quí hóa quá!
Rồi, dù cho ý bài viết không sai, nhưng có khi do tính chủ quan, mình nghĩ diễn tả đã rõ rồi, nhưng thật là vẫn chưa đủ để người khác hiểu được những gì  mình muốn nói. Vấn đề đôi khi thành sai lệch do sự chủ quan của mình. Chỉ những kẻ khách quan, trong tâm không tồn tại những việc như thế, mới có thể nhận ra. Và họ nói cho mình biết. Cứu một bàn thua thấy rõ. Không cám ơn sao được.   
Một lời góp ý, còn có thể làm nẩy sinh những cuộc trao đổi lý thú, giúp bản thân và những người ngoài cuộc nhận ra nhiều vấn đề mà tự bản thân chúng ta ít ai để ý, cho đến khi cuộc tranh luận xảy ra.
Tôi đã tìm thấy khá nhiều điều thú vị trong việc “Được góp ý” và “Góp ý” này. 
“Bài dài, không đọc” là cách góp ý không cần phải động não nhiều. Với người thích bài ngắn, thể loại dài xem như rớt đài ngay từ phần hình thức, không còn gì để bàn. Cái có thể bàn là những gì thuộc về nội dung.
Đôi lúc, tôi thấy lời góp ý của người này chẳng dính gì đến bài viết của người kia. Bản thân tôi cũng thế. Một điều gì đó không chính xác lắm qua đầu óc vội vả của mình. Hoặc là bận tâm quá với văn tự nên bỏ mất tinh thần mà bài viết muốn nói. Hoặc là đánh rơi đâu đó vài chữ, nhưng chúng lại là tiền đề quyết định đúng sai cho vấn đề muốn nói.
Người ta nói rất rõ “Ngoài nước…”, mình mắt nhắm mắt mở, vơ hết những thứ trong nước ra chứng minh, nói người ta sai. Khi bị phản đòn, mới hay không phải mình góp ý với người mà là đang góp ý với cái vọng tưởng của chính mình. Đợt đó, tôi rút kinh nghiệm, muốn phê bình hay góp ý điều gì, việc đầu tiên là cần phải nghe kỹ và đọc kỹ những gì cần góp ý. Cố gắng hiểu cho được tinh thần mà bài viết muốn nói. Tránh cố chấp trên văn tự. Cũng không nên bỏ quên những câu từ quyết định ít nhiều tính sai đúng của bài viết. Nói chung, trong sự góp ý cần có một tấm lòng. Để hạn chế bớt những gì không chính xác, giúp việc góp ý đạt hiệu quả tốt hơn.
Một việc nữa khiến lời góp ý dù hay nhưng lại không có giá trị với câu chuyện được góp ý, là do mình thiếu cái nhìn Duyên khởi đối với vạn pháp. Chính là mặt tùy duyên của vạn pháp. Trên mặt khế lý và khế cơ mà nói, nó thuộc phần khế cơ. Người ta nói cho đối tượng này, mình lại lấy pháp của đối tượng kia ra so, người ta nói trong hoàn cảnh này, mình lại lấy hoàn cảnh khác ra sánh, nên thấy chướng. Rơi vào tranh luận, tranh luận bất phân thắng bại, một phần cũng do không dụng được cái nhìn Duyên khởi này.
Trong một thời pháp mùa Vu lan, giảng sư nói công ân cha mẹ là trên hết. Tôi đã không đồng ý với điều đó, vì trong Hoa Nghiêm Thám Huyền Ký nói: “Với người xuất gia, ân sư tăng là lớn, ân cha mẹ là kế ”.[1] Tôi mang điều đó trình với giảng sư và nhận được một câu trả lời khá thú vị: «Hãy nhìn những người đang nghe pháp đây. Là những phật tử tại gia, đa phần trình độ còn rất thấp. Tâm chưa thể đón nhận nhiều thứ trong một thời lượng quá ngắn. Nếu muốn, chúng ta sẽ có một bài pháp nữa về hiếu hạnh của người xuất gia. Còn đây, chỉ như thế thôi». Chỉ như thế thôi, vì duyên của nó là dành cho người tại gia. Mình mang xuất gia ra so mới sinh chuyện. Mình đòi một cái toàn diện trong khi người ta chỉ có thể nhận cái từng phần. Với nhà thiền, ‘Pháp, do ứng cơ mà nói’ thì đúng là không có gì để bàn. Chỉ là « Chỉ như thế thôi ».
Chả trách kinh, luật, luận đều có phần Duyên khởi ở đầu. Nói Duyên khởi của một bộ kinh là do đâu mà viết ra kinh đó, cũng là để nêu lên đối tượng mà vì họ, bộ kinh ra đời. Như luận Đại Thừa Khởi Tín nói: «Nhân duyên gì mà tạo luận này? Đó là để chúng sinh lìa khổ được lạc. Vì muốn giải thích nghĩa căn bản của Như Lai. Vì muốn chúng sinh căn lành thành thục kham nhận Đại thừa. Vì muốn chúng sinh căn lành ít ỏi tu tập tín tâm. Vì chỉ bày phương tiện trừ diệt các ác nghiệp chướng… ». Nêu rõ nhân duyên cùng đối tượng ra vậy, tức đã khoanh vùng phủ sóng. Trong phạm vi phủ sóng đó, thứ gì không đúng thì mới góp ý. Lấy việc ngoài vùng phủ sóng mà góp ý thì đương nhiên không đúng. Không đúng, không do ý mình sai mà do dụng pháp không đúng duyên.
Nếu đọc phần luận trên mà khởi tâm: « Sao thiền mà không dạy « không lấy không bỏ » lại dạy trừ diệt? » là lời góp ý ngoài vòng phủ sóng. « Không lấy không bỏ » là pháp dành cho hàng thượng căn «lưu hoặc độ sinh»,[2] không phải là pháp dùng cho hàng nghiệp chướng còn dày, vô minh chưa mỏng. Dạy « không lấy không bỏ », khác gì khuyên người ta đừng tu. Chúng sinh vẫn hoàn chúng sinh. Chỉ hại. Không lợi. Thành lời góp ý tuy khế lý mà không khế cơ, cũng thành trật. 
Một bà cụ, khi đọc một bài viết của tôi, đã nói: « Vì sao phải nói đến cái quả của việc bố thí mà không phải là bố thí vì tình thương, không cầu quả báo? ». Một ý tưởng rất chuẩn xác, không chê vào đâu được. Nhưng … tôi sẽ đưa ý tưởng đó vào một bài viết khác, không phải với bài viết đang góp ý. Vì nó không đáp ứng đúng cái duyên mà tôi muốn nói. Chủ đích của bài viết là để đối trị một tư tưởng không phù hợp với kinh luận: « Muốn sung túc, phải tìm cách thâu gom bất kể thiện, ác ». Vì muốn đối trị tư tưởng đó mà bài viết phải nói đến phần quả báo của việc bố thí, để thấy bố thí là nhân của sung túc, không phải thu gom bất kể thiện ác là nhân của sung túc. Nếu không nói đến phần quả báo của việc bố thí thì không thể nào đối trị được tư tưởng đó. 
Việc nhầm nhân lộn duyên rồi sinh ta tranh luận, không phải chỉ chúng ta ngày nay mới dính, mà tự ngàn xưa, cũng đã xảy ra những việc tương tự. Trong cuốn Nguồn Thiền, ngài Tông Mật nói: «Kẻ hậu học của hai tông Không và Hữu cùng với người học kinh luận chỉ hại nhau, bài xích chẳng khác cừu thù. Vậy thì đến khi nào mới chứng vô sinh pháp nhẫn?». Không phải chỉ dừng ở việc góp ý mà còn dẫn đến tình trạng bài xích lẫn nhau như cừu thù. Đó là do không nhận ra mặt Duyên khởi của vạn pháp. Không nhận ra «Thuận tột thì làm thành nhau. Trái tột thì phá lẫn nhau. Nhưng trái thuận đều tự tại. Nên phá mà không phá, tức đối với các pháp đều hòa hội».[3] Thứ gì có hình có tướng, đều có mặt đối đãi của nó, như âm dương sinh nhau. Có âm là có dương. Có dương là có âm. Chỉ là thiếu duyên thì ẩn. Đủ duyên thì hiện. Do thế đối đãi đó ở thế gian mà thấy kinh luận dường như trái nhau, Tổ Tổ cứ như chống nhau, mà thật là không phải. Chỉ là tùy cơ mà có pháp. Vì cơ đối nhau nên thấy pháp đối nhau. Như con đường, hai bên là vực sâu. Người đi lệch về bên trái có nguy cơ lọt vực thì Tổ bảo « Về bên phải ». Người đi lệch về bên phải có nguy cơ lọt vực thì Tổ bảo « Về bên trái ». Trái hay phải là do căn cơ của chúng sinh mà lập, tuy thấy đối nhau mà đồng một mục đích lợi ích, không do bài xích hại nhau.
Đứng ở mặt phá, Tổ sư có phá cũng vì lợi ích cho người. Hoặc vì pháp khế lý mà không khế cơ, hoặc vì pháp khế cơ mà không khế lý, hoặc muốn đưa người về chỗ vô trụ, nên phá. Như Ngoại Luân nói: «Hay đoạn trăm tư tưởng», Lục Tổ nói: «Chẳng đoạn trăm tư tưởng », là muốn hiển bày « đoạn » hay « không đoạn » chưa phải là chỗ rốt ráo, chỉ là pháp Duyên khởi đối đãi, cần phải tiến lên nữa. Thành phá mà không phá, đối với các pháp đều hòa hội là vậy.    
Tổ sư nhận tánh mà dụng pháp nên lập hay phá đều không lầm, trái hay thuận đều tự tại. Kẻ hậu sinh lấy tướng làm tánh, theo đó sinh tưởng chấp trước, nên tranh luận bài xích lẫn nhau không dứt, tâm không thoát khỏi phiền não và sở tri. Chẳng còn nhận được lợi ích trong việc phá và lập của Tổ sư.
Duyên khởi, còn thể hiện qua sự liên kết giữa các câu văn. Những câu văn, nếu ý nghĩa của nó lệ thuộc nhiều vào các câu quanh đó, mà mình tách nó ra như một ý độc lập, thì có khi ý thành trái ngược.
Ai cũng biết có nhiều loại bệnh, khi đang hiện khởi, không nên uống nhân sâm. Tôi cũng biết chút ít về điều đó. Nên mới nhảy đỏng lên khi thấy tập tài liệu ghi: « … bệnh đó uống nhân sâm»[4]. Ông bạn cầm tập tài liệu lên, lật sang trang kế. Hóa ra còn hai chữ … « thì chết» mới hết câu. Tại mình nhanh nhẩu đoản, mới nghe một câu trái với sở tri của mình, lập tức lùng bùng quên truy xét cho tận nguồn. Lần đó giựt cả mình. May là câu này đi liền với câu kia, ông bạn có thể giúp mình nhận ra cái lầm của mình tức khắc. Giả như có những đoạn văn mà phần kết cấu không gần nhau, mình chỉ đọc một đoạn mà không đọc đoạn kia, hay mình chỉ đọc sách này mà không đọc sách khác để nắm được ít nhiều tinh thần chủ đạo của tác giả, thì việc góp ý vô tình trở thành vạch lá tìm sâu, mất hết tinh thần tốt đẹp của nó.
Một điều hay gặp nữa trong việc thảo luận góp ý, là mình hay để cho bà phiền não khởi kèm với ông sở tri của mình. Phiền não, là chỉ cho những gì thuộc về bức xúc, bực bội. Một ý tưởng chống trái hay một lời góp ý không chính xác dễ khiến mình sinh bức bối. Sự bức bối có khi hiện rõ qua lời văn, câu chữ hay giọng nói của mình. Giăng thuyền đi trong mưa bão, ít nhiều gì cũng bị thất thu. Từ hình thức đến nội dung. Cho nên, không nên để cụ phiền não hiện khởi trong quá trinh thảo luận. Để nó hiện khởi, là dụng pháp không đúng duyên. Chỉ cần một ông sở tri độc hành là đủ.
Viết chừng đó thấy đã dài. Viết dài nữa, hắn chê. Ngắn chút mà súc tích là được.


[1] Hoa Nghiêm Thám Huyền Ký quyển 8 – Phẩm Kim Cang Tràng Bồ Tát Hồi Hướng thứ 21. Sa môn Pháp Tạng thuyết. 
[2] Hoa Nghiêm Thám Huyền Ký – Sa môn Pháp Tạng thuyết.
[3] Nguồn Thiền – Đại sư Tông Mật.
[4] Lâu quá, người viết không nhớ được phần văn phía trước, cáo lỗi.