Chủ Nhật, 18 tháng 12, 2011

Hạnh phúc cũng cần phải học




Liệu bạn có hạnh phúc hơn nếu bạn giàu có hơn?
Nhiều người tin rằng có.
Có lẽ vì thế ai cũng muốn làm ra tiền thật nhiều.
Với tôi, cũng có mà cũng không. Bởi “việc giàu có hơn” chưa phải là nhân tố chính quyết định hạnh phúc gia đình. Cho dù là nhân tố chính, nó vẫn phụ thuộc khá nhiều vào cách mà bạn làm ra tiền và tiêu tiền như thế nào.
Phụ thuộc vào công việc đang làm
Nếu công việc của bạn không quá mệt mỏi đến nỗi sức khỏe của bạn bị suy giảm, cũng không căng thẳng đến mức bạn phải luôn nhăn nhó bực bội với người chung quanh, thì tiền mang lại hạnh phúc cho bạn khi nó vẫn là nhu cầu thiết yếu của bạn. Hạnh phúc đầu tiên mà bạn nhận được là không phải lo lắng mệt mỏi vì sự nghèo túng. Bạn có thể ăn những gì mình thích, mặc những gì mình muốn và có thể đi đây đi đó mà không cần phải tính toán nhiều. Bạn lại có thể giúp đỡ bạn bè và người chung quanh...
Tiền bạc của cải giúp ta giải quyết được nhiều thứ trong đời, nên thường thì ai cũng nghĩ đến việc kiếm tiền, càng nhiều càng tốt. Đức Phật cũng nói nhiều về bố thí, vì bố thí là nhân chính đưa đến sự sung túc. Không có nhân tố đó dẫn đường thì dù làm việc cật lực thế nào, đời sống của bạn vẫn thiếu thốn. Phải có nhân tố đó thì khi đủ duyên, quả sung túc mới xuất hiện. Đó là lý do vì sao vẫn có những người không phải động nảo cật lực nhiều mà vẫn có cuộc sống khá sung túc, là nhờ cái nhân bố thí trong quá khứ.   
Thường thì những việc hái ra tiền trong thời buổi hiện nay, thời mà sự cạnh tranh khá gắt gao, cá lớn nuốt cá bé, anh chị em cũng thành đối mặt trong thương trường, thì khó mà không có sự căng thẳng. Ngày còn lang thang ngoài chợ, công việc của chúng tôi chỉ là công việc rất nhỏ, sức cạnh tranh nằm trong phạm vi không lớn, nhưng không ngày nào không có căng thẳng. Ăn không được, ngủ không ngon. Nhăn, là trạng thái rất thường tôi dành tặng chồng và những người chung quanh. Tôi ít gần con mà chúng cũng không thích gần tôi. Sự bất ổn trong tâm thức khiến mọi quan hệ trở thành méo mó.
Khi không có tiền, tôi nghĩ có tiền mọi thứ sẽ tốt hơn. Nhưng khi có tiền để giải quyết những việc đó rồi, lại thấy nẩy sinh thêm nhiều việc khác. Tôi lo cho con đầy đủ hơn trước nhưng tình cảm gia đình ngày mỗi xa. Có thể mua cho mình một chiếc nệm tốt, nhưng lại không thể mua cho mình một giấc ngủ ngon như ngày nào. Xưa muốn ăn thứ gì cũng khó, giờ thứ gì cũng có thì không muốn ăn. Sách thích đọc thì không mua nỗi, giờ mua nỗi thì không còn thời gian để đọc. Mọi thứ đều phải dồn hết cho công việc, không có thời giờ chăm sóc bản thân. Đó là những nghịch lý mà tôi đã không lường hết khi muốn giàu có.
Đi từ cực này sang cực kia để hiểu nghèo hay giàu đều có cái vui và khổ của nó. Không phải có tiền là có hạnh phúc, còn phụ thuộc nhiều thứ khác nữa.
Tôi đã không giải tỏa được những căng thẳng phát sinh đối với công việc đang làm, cũng không thể làm chủ những cảm xúc phát sinh từ sự căng thẳng, nên tôi không thấy hạnh phúc khi có tiền. Có thể bạn sẽ hạnh phúc hơn tôi, vì bạn giải tỏa được những căng thẳng không đáng có. Bạn định tỉnh được trong việc giao tiếp, giữ các mối quan hệ được tốt đẹp. Tôi thì không đủ sức làm điều đó nên chỉ thấy nhọc nhằn. Nhưng cũng không thể từ bỏ công việc để trở lại cảnh cũ ngày xưa. Không ai can đảm bước lùi khi vật chất đang là thứ cần thiết với mình.
Con người cứ loay quay luẩn quẩn trong những nghịch lý của chính mình mà không nhận thấy.
Để được nhẹ nhàng hơn với những gánh nặng tồn đọng từ quá khứ, thay vì phải đặt gánh xuống, ta lại chất thêm lên để hiện tại mệt mỏi và tương lai gánh nặng hơn.      
Ta tiêu phí sức khỏe cho việc kiếm tiền rồi dùng tiền ấy đi tìm sức khỏe.
Ta bán đi cái đức để tìm kiếm tiền bạc rồi lại dùng tiền bạc mua lại cái phước.
Ta tự tạo cho mình những nghịch lý nên cuộc đời nhận lại cũng chất đầy những nghịch lý.
Phụ thuộc vào cách tiêu tiền
Không phải chỉ có cách làm ra tiền đóng vai trò quan trọng trong việc tìm thấy hạnh phúc mà cách sử dụng đồng tiền cũng góp phần không nhỏ trong việc tạo dựng hạnh phúc của mình.
Nhiều người làm ra tiền và rất biết cách tận dụng đồng tiền. Một cuộc sống vương giả cho bản thân và gia đình. Nhà cửa, xe hơi, ăn mặc, cho đến những hội hè đình đám sang trọng rất tốn hầu bao. Tiền trở thành nắm ruột. Vì là nắm ruột nên “làm cách nào để có tiền” được xem trọng hơn “không nên làm những việc không nên làm dù việc ấy có mang lại lợi nhuận khổng lồ”. Đó là nhân tố mang lại cho ta cái quả không tốt trong tương lai. Nói tương lai, là muốn nói đến phần hậu của cái nhân đã được gieo. Nó có thể xuất hiện ngay trong kiếp này, liền sau đó. Cũng có thể sang kiếp sau hoặc kiếp sau nữa.
Cho nên, khi chàng thanh niên ở thành Xá Vệ hỏi làm thế nào để sống được an vui, Phật dạy 4 điều:
1. Có công ăn việc làm nuôi sống bản thân và luôn trau dồi công việc cho tốt.
2. Tiền kiếm đúng pháp rồi phải biết giữ gìn không để mất.
3. Phải biết chi thu cân đối, không thể thu ít mà chi nhiều. Cũng không nên thu nhiều mà tằn tiện đến mức không dám chi tiêu. Thu chi biết chừng mực thì cuộc sống an vui.
4. Sống chừng mực không buông lung, không giả dối …
Trước hết, phải có một công việc nuôi sống bản thân. Một công việc không mang tính phi pháp. Vậy thì đồng tiền kiếm được mới đúng pháp. Tiền kiếm được đúng pháp rồi còn phải biết gìn giữ và chi thu cân đối. Điều đó đồng nghĩa với việc không tiêu xài phung phí, có một khoảng để dành phòng khi cơ nhỡ và chừa ra một ít để cúng dường bố thí, gieo cái phước sung túc cho tương lai.[1]
Xã hội ngày nay, thực tế không đơn giản như thế. Không phải ai cũng được như chàng trai đó, một công việc lương thiện cho một thu nhập nuôi thân và để dành, mà có khi sống đúng với lương tâm lại không đủ tiền nuôi con. Phải lem nhem chút gì đó mới đủ tiền mà sống. Cái khó ló cái khôn. Một cái khôn không mấy lương thiện. Song điều đó mình có thể thông cảm. Luật nhân quả có vận hành chắc cũng không đến nỗi quá nặng tay. Cái đáng tội là chúng ta ít phân biệt được đâu là đủ và đâu là dư. Lem nhem bây giờ không chỉ để đủ mà còn để dư. Dư quá độ, dư đến nỗi người khác phải khổ sở. Không phải một người mà hàng ngàn người. Lại mang cái dư ấy tống vào những việc không hay như rượu chè, trai gái, cờ bạc, la cà đình đám hí viện v.v… Một sự sung túc khiến xã hội nghèo đi, người khổ càng thêm khổ. Thông cảm trở thành oán hận. Nếu không tỉnh giác mà lìa bỏ, cái nhân oan nghiệt ấy sẽ đưa đến cái quả bất hạnh trong tương lai. Cũng khó mà xóa đi nỗi oán hờn của người trong cuộc. Hiện nay mình thấy có những cái chết khá vô duyên. Đều có cái nhân oan nghiệt từ trước. Vì thế, Phật dạy muốn an vui thì phải kiếm tiền đúng pháp, có tiền rồi thì phải biết ăn tiêu vừa đủ. Không phung phí giả dối thì không rơi vào những việc phi pháp…
Cuộc sống của tôi không đến nỗi thiếu hụt nhưng cũng không quá dư giả. Tôi phải tằn tiện trong mọi chi tiêu. Nếp sống ngày xưa nơi cha mẹ cũng dạy tôi quen thế rồi. Mẹ đã có những bài học thiết thực để tôi thấy phung phí kinh hãi ra sao. Hình ảnh suy tàn và chết đói của những người giàu có quen thói phung phí cứ in sâu vào đầu óc non nớt của tôi, khiến tôi phải học cách tằn tiện. Nhưng hình như việc gì cũng có cái đà của nó. Việc gì cũng hay méo đi một chút để khổ đau có chỗ vươn lên. Không phung phí, tôi lại nhào khá sâu vào thói tằn tiện. Sâu đến nỗi khi có tiền rồi, trước baba sau vẫn baba. Cứ đi từ cực này qua cực kia như con lắc đồng hồ, theo quán tính mà tới, không nhận được lối vào trung đạo để đời an vui.
Chỉ tằn tiện với bản thân thì ít phiền hà đến ai. Nói vậy chứ cũng ít nhiều liên lụy. Đi đám tiệc mà cứ một bộ đồ, mặc từ lần này qua lần khác, từ năm này sang năm nọ thì người đi với mình cũng thấy mắc cỡ. Nhưng thường, đã mắc thói tằn tiện rồi, có rộng rãi với người thì cũng dưới mức … trung bình. Tại thứ người thấy bình thường, mình lại thấy phí quá. Đã thấy phí quá thì nhất định phải tằn tiện lại. Thế là, nhẹ nhất là cãi vã và hục hặc. Nặng nữa thì oánh lộn và xa nhau. Thành đức Phật không chỉ nói “không phung phí” mà còn dặn “không tằn tiện”. Đó là lý trung đạo.
Trung đạo, không có nghĩa là “giữa” mà không vướng vào bên này hay bên kia. Giàu chút, ta có quyền sống sang chút. Nghèo hơn, phải biết hạn chế bớt đi. Trung đạo cho phép ta linh hoạt trong cái duyên đang có. Miễn là đừng để sự thọ nhận đi quá đà, khiến mình phải lệ thuộc vào đồng tiền quá nhiều mà có cái quả đáng tiếc về sau.
Nhưng thường thì sướng quen rồi, giờ có việc cực chút chịu không nỗi. Không phải chỉ ở mặc sướng khổ mà còn nhiều mặt khác nữa. Như vụ bất động sản hiện nay, lãi quen rồi giờ tới lỗ không chịu. Chịu lãi mà không chịu lỗ. Cứ muốn theo ý mình khi mọi thứ đã đổi thay. Không thể linh hoạt nên cứ ôm đó để rồi phá sản. Đó là cái khổ của sự chấp dính. Chấp vào duyên trước nên không thể linh hoạt trụ vào duyên sau khi duyên trước hết. Do chấp trước mà nẩy sinh khổ não. Sống trung đạo, là tùy duyên mà không chấp trước. Tùy duyên mà chấp trước thì không phải là sống trung đạo. Khó ! Nhưng sống được thì khỏi lo âu muộn phiền. Dù thăng dù trầm ta vẫn là ta…
Thân như ánh chớp có rồi không
Cây cỏ xuân tươi thu lại cong
Mặc kệ thịnh suy không sợ hãi
Thịnh suy như cỏ hạt sương đông
(Thiền sư Vạn Hạnh)
Sống chết vô chừng. Mọi thứ như sương mai đầu cành. Thịnh suy là chuyện bình thường của thế gian. Công Đức Đại Thiên không thể rời người em gái Hắc Ám.[2] Mình đã muốn cô chị nghĩa là mình đã ngầm chấp nhận cô em. Đi trưa tránh sao khỏi nắng. Nhưng mình không nhận ra điều đó, cứ mãi loay hoay với được, mất, hơn, thua. “Được” mà thích “mất” đương nhiên phải khổ. “Được” “mất” bình thường thì Ta bà không khác Tây phương.  
Khổ vì tư kiến
Thoát được tánh tằn tiện rồi mà không thoát được những định kiến của mình trong vấn đề tiền bạc thì khổ nạn vẫn chưa hết.
Có khi không phải tiếc tiền mà không cho, chỉ là vì không ưa mà không cho, là vì người đó không đáng nên không cho. Mình thấy không đáng nhưng chồng thấy đáng nên chồng cho. Thế là sinh chuyện. Vấn đề không còn liên quan đến tằn tiện mà dính líu đến tư kiến của mỗi người.
Cũng như đi chợ, có đi chợ là có trả giá. Phải người ta thách quá thì không nói, đằng này một ngàn hay năm trăm gì cũng trả giá dù tiền bạc rất dư giả. Trả đến mắt cá chân phải lồi ra. Con nhỏ chợt tỉnh: “Bà ơi! Sao tui thấy tui ác, trái thanh long thêm có một ngàn mà tui cứ bắt nó phải bớt, bớt rồi về quăng đó”. Có những việc xảy ra không do tằn tiện mà do tư kiến và thói quen. Cứ quen như thế thì làm như thế. Không thấy rằng mình bớt đi vài ngàn thì người sẽ có thêm được vài ngàn. Vài ngàn, với mình không đáng nhưng với người có khi là một bữa ăn. Cũng như không thấy rằng, mình có cái nhìn của mình thì người cũng có nhìn của người. Mình thấy không đáng nhưng chồng thấy đáng thì hãy để chồng làm cho vui. Người vui thì mình được vui.
Cuộc đời này có những dây nhân duyên rất khó nói.
Chị không tốt với tôi. Mọi rắc rối của tôi đều từ chị ta mà ra, thành tôi cũng không ưa gì chị. Có điều, tôi không thể yên lòng khi thấy chị nợ nần và đau khổ. Người ngoài bảo tôi bị cái thương cảm làm cho ngu muội mà còn nói dóc không ưa. Không ưa sao cứ quan tâm. Tôi không biết giải thích sao về việc đó. Cho đến cái ngày tôi vét hết tiền và trả nợ cho chị. Sau đó không còn gì để bận tâm. Chị tiếp tục gây nợ hay khổ đau đó là chuyện của chị, tôi vẫn thấy bình tâm. Một cái nợ trong quá khứ… nên mình thấy bất an khi người ta đau khổ. Không phải trên mặt tình cảm. Chỉ là ở mặt tiền bạc. Giải quyết xong rồi thì mọi thứ bình yên.
Từ khúc nhân duyên đó tôi thay đổi phần nào cái nhìn của mình đối với thế nhân.    
Tiền cần thiết cho cuộc sống thật, nhưng không vì thế mà sinh tính toán quá nhiều. Nhân duyên của người không giống nhân duyên của mình, thành bắt người sử dụng đồng tiền theo cách của mình là việc không nên. Tiền cho ra không để giải quyết nợ nần thì cũng đang gieo cái phước về sau, không mất đi đâu. Không nhất quyết phải theo ý mình để phải mệt thân rối tâm mà còn phiền lụy đến người khác. Tâm rối rồi thì cảnh đưa tới sẽ chẳng an.
Ai cũng chất trong đầu quá nhiều định kiến, những định kiến không phù hợp với lý thực của thế gian, nên khổ mẹ đẻ khổ con.
Khi gặp một bất hạnh nào đó trong cuộc sống, như bị một cơn bệnh trầm kha mà không có điều kiện để chữa trị, ta liền nghĩ đến tiền. “Vì mình không có tiền nên cớ sự mới ra như vậy”. Thật ra, vấn đề không nằm ở việc mình có tiền hay không, mà ở cái nhân không mấy tốt đã gieo trong quá khứ. Nếu không gây nhân xấu thì không phải mắc căn bệnh hiểm nghèo để phải cần đến nhiều tiền. Còn nhân đã xấu thì dù có tiền, bệnh vẫn không thể khỏi. Và trong quá khứ, nếu chúng ta không thu gom mà mở lòng với mọi người, thì khi gặp nạn, không có tiền nhất định sẽ có người lo. Cho nên, vấn đề cần lưu ý trong cuộc sống không phải là làm sao để có thật nhiều tiền mà là chúng ta sống thế nào và đối xử với mọi người chung quanh ra sao.
Thiền sư Mục Châu có một người đệ tử làm quan đại phu. Ngày kia người đệ tử đến muộn. Sư hỏi vì sao, người đệ tử trả lời:
- Con xem người ta cởi ngựa đánh cầu.
- Người ta có mệt không?
- Bạch thầy mệt.
- Ngựa có mệt không?
- Bạch thầy mệt.
- Còn cây cột trụ kia cũng mệt chứ?
Câu hỏi bất thần khiến quan đại phu khựng lại, không biết trả lời.
Đêm ấy về nhà ông thức suốt. Gần sáng, ông chợt ngộ ra và chạy vội đến chỗ thiền sư. Sư hỏi lại, ông trả lời:
- Bạch thầy mệt. 
Câu chuyện muốn nói đến tính duyên khởi thông dung của vạn pháp mà với nghiệp thức chúng sinh, mình không thể nhận thấy.
Thế giới chung quanh vốn là ảnh tượng được tạo ra bởi một cái tôi. Nó không tách lìa khỏi cái tôi đó. Mọi tác động của Tôi vào thế giới, đều phản hồi trở lại chính Tôi. Nếu Tôi tu bổ và chăm sóc nó, Tôi sẽ gặp những cảnh giới đẹp. Nếu Tôi xem thế giới bên ngoài là đối kháng, chỉ lo cấu xé và thu gom thì vô tình Tôi đang phá hoại chính Tôi. Đau thương và bất hạnh ngày càng nhiều chính vì đó. Vì ta không thấy thế giới là ảnh tượng được tạo ra bởi thiện ác trong chính ta…
Thử một lần nhìn lại, quẳng bớt gánh nặng trên vai, cho đời thanh thản an vui.


[1] Kinh Trường A Hàm phẩm Thiện Sinh
[2] Chuyện Phật kể trong kinh Đại Niết Bàn, nói lên tính duyên khởi của sống và chết. Phàm phu chọn sống không thích chết. Bồ tát biết có sinh là có chết, nên bỏ cả hai, không tham luyến công đức cõi trời mà rơi vào sống chết.  

Thứ Hai, 14 tháng 11, 2011

Hôm qua đã không còn


Lâu lắm rồi, thời gian trong quá khứ đã không còn trong tôi. Không có ngày hôm qua, hôm kia hay hôm kìa như trước đây đã từng có. Những gì đã qua trong đời, không có một mốc thời gian để ấn định. Sự việc xảy ra sáng nay, nếu có thể nhớ lại sẽ đồng với sự việc của ngày hôm qua, hôm kia hay trước nữa. Những sự kiện chỉ là những điểm nhỏ đồng hiện trong tâm. không có trước sau, không có một mốc thời gian cố định cho các sự việc như trước kia đã có. Muốn biết về thời gian đã qua, tôi phải sắp xếp lại các sự kiện, nhưng cũng mơ hồ không rõ nét ...
Nhân vật cố hữu thời
Ly vật hà hữu thời
Vật thượng vô sở hữu
Hà huống đương hữu thời
Nhân vật nên có thời
Lìa vật sao có thời
Vật còn vô sở hữu
Hà huống là có thời
Bồ tát Long Thọ đã nói như thế về thời gian. “Nhân vật nên có thời”. Vậy thì việc tôi phải sắp xếp lại các sự kiện để tự lượng định cho mình một thời gian trong quá khứ không phải là chuyện lạ. Vậy mà nhỏ bạn, khi nghe tôi nói về những điều đó, đã rờ trán tôi. Mi nói cái chi mà không có ngày hôm qua, hôm kia, không có quá khứ trong mi? Mi có vấn đề chi với thời gian? Trí nhớ mi tao thấy vẫn tốt mờ. Đâu có tưng mà nói với tao điều đó.
Con nhỏ không hình dung ra được những gì tôi đang trải qua.
Cũng không hình dung nỗi cái gọi là quan hệ nhân duyên mà Bồ-tát Long Thọ đã nói. “Nhân vật nên có thời”, là nương nhờ những sự kiện mình thấy hiện nay trong không gian mà nói là có thời gian. Thấy cây sinh trưởng từ nhỏ đến lớn. Thấy quá trình hình thành và hoại diệt của một vật. Đứa trẻ, là thời quá khứ của tôi. Chết, là thời vị lai của tôi. Trong cái mốc gọi là hiện tại thì quá khứ, hiện tại và vị lai vẫn diễn biến không ngừng. Ba thời gắng liền với quá trình sinh trưởng của tôi, từ khi sinh cho đến khi chết. Nếu không có sự thay đổi đó ở các vật thể, mình không thể nhận biết có thời gian.
Thời gian không phải là một pháp độc lập như Newton đã nói. Ừ, tất cả đang cảm nhận thời gian trôi đi, không phải vì nó có một tướng xác định cho riêng nó mà là nhờ vào những sự kiện đã xảy ra. Là pháp nhân duyên nên “Cái này có thì cái kia có, cái này không thì cái kia không”. Không có quá trình sinh trưởng đó thì cảm nhận về thời gian cũng không. Quá khứ trong tôi không còn, không phải là chuyện lạ.  
Việc sắp xếp lại các sự kiện để hình dung ra một quá khứ trong tôi cũng là đang nương vào những sự kiện mà hình thành nên thời quá khứ của chính tôi. Nếu không có sự kiện nào để đánh dấu, hoặc tôi lỡ quên đi vài sự kiện nào đó của một quá trình thì quá khứ của tôi coi như tan biến, chỉ còn đọng lại những niệm tưởng. Tôi chỉ có thể hình dung thời gian theo những gì đang có trong hiện tại. Ánh sáng ban mai báo hiệu một ngày mới bắt đầu. Những vạch nhỏ điểm trên đồng hồ báo hiệu một ngày dài sắp hết. Và rồi, nếu trong tôi những sự kiện đã xảy ra trong ngày hôm đó không được lưu giữ thì một ngày mới - cái gọi là hiện tại - lại bắt đầu tiếp tục, để những gì đã xảy ra không tồn tại trong tôi.   
Nhỏ chăm chú nghe tôi giải thích từng chút, cũng gật đầu đồng ý với những biện luận của tôi về quá trình nhân quả của một sự việc, nhưng lại nhìn vấn đề theo một cách khác. Vẫn là cách mang hơi hướm độc lập của Newton. Thấy “Sự vật có tự tính và xuất hiện một cách độc lập với thời gian” in hình quá sâu trong tiềm thức con người. Có lẽ, do quá trình lịch sử tồn đọng được truyền thừa qua hàng ngàn năm của thế giới, khiến ta tin rằng thời gian là thứ gì đó thường hằng, là nền tảng xuyên suốt và chi phối tất cả. Con người dù có mất đi, thời gian vẫn còn đó để mọi việc được nối tiếp. Có lẽ, do nghiệp thức mang tính “phần đoạn sinh tử” của con người mà pháp nhân duyên ở thế gian trở thành những vật thể độc lập, tách biệt, như đang có cho riêng mình một tự thể. Mọi thứ sinh sinh diệt diệt nhưng thời gian vẫn nguyên đó, như con đường trải dài chứng kiến mọi thứ ngang qua, không can hệ gì đến nó.[1] 
Luận Đại Trí Độ nói về kiến chấp của người thời xưa tương tự như thế: “Có người cho rằng thời gian là nguyên nhân không thay đổi, là thực hữu, là vi tế không thể thấy, không thể biết, chỉ do kết quả của hoa trái mà biết có thời gian. Thời gian không thể thấy mà biết chắc có thời gian, vì nhìn quả biết nhân”. Cũng biết phải nương vào vật mới thấy có thời gian, nhưng thay vì nhận ra quan hệ nhân duyên giữa chúng, thì ta lại nhìn các hiện tượng ấy như là những biểu hiện cho một bản thể trôi chảy không ngừng, rồi gọi cái bản thể ấy là thời gian.    

Ngày nay, ngành Vật lý hiện đại đã nói đến tính duyên khởi của thời gian và không gian như sau:
Trong vũ trụ Einstein, không và thời gian gắn bó khắn khích không thể rời. Thời gian duy nhất và phổ quát trong vũ trụ Newton bây giờ đã được thay thế bằng nhiều thời gian riêng và hoàn toàn khác nhau trong vũ trụ Einstein… Một giây đối với người ngoài trái đất, có thể sẽ là vĩnh viễn đối với chúng ta. Một giây cũng có thể thành một giờ, một năm, một thế kỷ … tùy thuộc vào vận tốc bỏ chạy của các thiên hà. Thời gian đã mất đi tính phổ quát của nó. Cũng như không gian, thời gian trở nên đàn hồi. Nó dài ra hay ngắn lại tùy theo chuyển động của người đo nó.”.[2]
Thời gian không mang tính phổ quát để có thể làm “nguyên nhân không thay đổi” của mọi vật. Vì nó không có tự thể của riêng nó mà lệ thuộc vào không gian. Một giây ở trái đất khác với một giây ngoài trái đất. Vì điều kiện ở trái đất không giống với điều kiện ngoài trái đất. Không cần ngoài trái đất, ngay chính trên trái đất này, thời gian cũng đã chậm lại ở những nơi có trọng lực lớn. Người ở tầng trệt, quá trình lão hóa của họ sẽ chậm hơn so với người ở tầng cao. Nhưng sự khác biệt đó về thời gian là vô cùng bé. Sai khác tổng cộng tích tụ trong một đời người chưa đầy một nhịp đập của trái tim. Vì thế sự chậm lại của thời gian do trọng lực, không thể được nhận biết trong cuộc sống thường nhật.[3]  

Những sai khác đó không phải đến bây giờ, khoa học tiến triển, con người mới tìm thấy. Xưa, Từ Thức dạo non tiên chỉ mất mấy ngày, nhưng khi trở về cảnh vật đã đổi thay, xóm làng đã qua mấy đời con cháu. Dù chỉ là một truyền thuyết thì câu chuyện cũng đã nói đến sự sai khác thời gian trong các thế giới. Trong kinh Tạp A Hàm tập 3, các bài kinh 861, 862 và 863 cũng nói về điều này:
Một ngày một đêm ở cõi trời Đâu Suất bằng 400 năm ở thế gian. Một ngày một đêm ở cõi trời Hóa Lạc bằng 800 năm ở thế gian. Một ngày một đêm ở cõi trời Tha Hóa bằng 1600 năm ở thế gian”.
Thời trụ bất khả đắc
Thời khứ diệc phả đắc
Thời nhược bất khả đắc
Vân hà thuyết thời tướng?
Thời trụ không thể được
Thời đi cũng không thể
Thời nếu bất khả đắc
Làm sao nói tướng thời?
“Bất khả đắc”, hiểu nôm na là “không thể được”. Có khi dịch là “không thể nắm bắt”. Thời gian là thứ không thể nắm bắt. Vì thế, không thể lấy tướng “trụ” hay tướng “đi” làm tướng thực của thời gian. “Trụ”, chỉ cho trạng thái tĩnh của thời gian. “Đi”, chỉ cho trạng thái động của thời gian. Đó là hai tướng tương đãi (đối đãi) của một pháp. Thời gian dừng trụ, với cái nhìn cảm quan của ta hiện nay điều đó là không có. Nếu thời gian dừng trụ thì không có quá khứ, hiện tại và vị lai, tức không có thời gian, không thấy mọi vật sinh trưởng như hiện nay.
Nói thời gian đang trôi, có vẻ hợp lý hơn. Nó là cái thấy của hầu hết chúng ta trong thế giới này. Đó là loại “thời gian tâm lý” mà giáo sư Trịnh Xuân Thuận đã nói trong Giai Điệu Bí Ẩn Và Con Người Đã Tạo Ra Vũ Trụ:
Chúng ta hình dung thời gian như nước trong một dòng sông chảy, như những gợn sóng trên mặt sông đi qua. Trên con thuyền thả neo đứng bất động trong hiện tại, chúng ta nhìn dòng sông thời gian trôi qua, những con sóng quá khứ lùi xa và những con sóng tương lai xô tới. Chúng ta thừa nhận cho thời gian một chiều không gian… Và chính sự biểu diễn như thế sự chuyển động của thời gian đối với chúng ta trong không gian cho chúng ta cảm giác về quá khứ, hiện tại và vị lai… Cái thời gian chủ quan hay tâm lý ấy, tất cả chúng ta phải gánh chịu. Sự phân biệt như thế giữa ba thời chi phối cuộc sống của chúng ta…”.
Với cái nhìn của Long Thọ thì “Thời gian đi không thể”. Là muốn nói loại thời gian ấy không mang tính phổ quát. Đó chỉ là cái thấy về thời gian trong điều kiện tâm thức hiện tại. Nếu điều kiện liên đới thay đổi thì hiện tướng đó chưa chắc đã còn. Vì thế, tướng ấy không phải là tướng thực của thời gian.
Các nhà Vật lý hiện đại thì nói về loại “thời gian tâm lý” ấy như sau:
Quan niệm như thế về thời gian – tức là sự chuyển động của nó đối với ý thức bất động của ta, hay tương đương như thế, là sự chuyển động của ta đối với thời gian bất động - không phù hợp lắm với các nhà Vật lý hiện đại. Vì nếu thời gian có chuyển động thì vận tốc của nó là bao nhiêu? Một câu hỏi quá ư vô lý. Mặc khác quan điểm cho rằng chỉ có hiện tại là tồn tại, chỉ có nó là thực tại, lại không tương thích với sự phá bỏ thời gian cứng nhắc và tương đối bởi thuyết Tương đối. Quá khứ và tương lai cũng thực như hiện tại vì Einstein đã nói quá khứ của một người có thể là hiện tại của một người khác và là tương lai của một người khác nữa.
Từ đó, hình thành nên một cái nhìn mới đối với thời gian mà chư vị gọi là “thời gian vật lý”:
Sự phân biệt giữa quá khứ hiện tại và vị lại từ nay không còn hữu dụng. Tất cả mọi thời điểm đều có giá trị như nhau… Vì các khái niệm của quá khứ, hiện tại và vị lai bị loại bỏ, nên thời gian không cần chuyển động nữa. Nó không trôi nữa mà đơn giản nằm đó bất động như một đường thẳng kéo dài vô tận về cả hai phía…”.
Vật lý hiện đại nói thời gian bất động không trôi nữa.
Với Long Thọ, “Thời gian trụ không thể”. Tức bất động nếu có, cũng chỉ là một hiện tướng khác của thời gian khi điều kiện thay đổi. Như nước trong điều kiện nhiệt độ cao thì thành hơi, trong điều kiện nhiệt độ thấp thì thành đá. Đó cũng không phải là tướng thực của thời gian. Bởi nếu “trụ” là tướng thực của thời gian thì tướng ấy phải bất biến thường còn, không cho phép ta tìm thấy một tướng khác khi điều kiện thay đổi. Song tướng thời gian mà “tất cả chúng ta phải gánh chịu đây” không phải là tướng bất động mà là tướng trôi chảy.
Tướng thực của thời gian thì… vô tướng. Nhờ cái “vô tướng không tánh” đó mà thời gian có thể sinh khởi nhiều tướng khác nhau khi đủ duyên. Nói theo Lăng Nghiêm, tướng thực của thời gian thì “phi đó mà tức đó”, không phải các tướng đó nhưng không lìa các tướng đó. Nói theo “Bát bất” của Trung Luận thì thời gian “không đi cũng không trụ”. Theo Bát Nhã Tâm Kinh thì “Tướng không của …”. Tướng không ấy, không phải là đối tượng (sở kiến) của nghiệp thức chúng sinh. Những gì ta thấy được đều là hiện tướng tùy duyên. Chỉ là tùy điều kiện liên đới mà xuất hiện các hình thức thời gian khác nhau, gom lại không ra ngoài tứ cú mà người xưa đã nói: “Đi, trụ, vừa đi vừa trụ, không đi không trụ”.
Để chấm dứt bài viết xin kể một câu chuyện: Đứa cháu, được mẹ dẫn đi chơi qua các chùa và nhà thờ. Qua các hình tượng Phật và Bồ-tát nó hỏi “Ai vậy mẹ?”. Mẹ nhóc đều trả lời “Phật”. Đến nhà thờ Đức Bà, nhóc lại hỏi: “Ai vậy mẹ?”. Mẹ nhóc, do đang bận nói chuyện với bạn, nên trả lời cho xong: “Phật”. Nhóc buộc miệng nói: “Chỉ có một Phật mà nhiều mặt vậy thì toàn đồ giả rồi”. Chỉ là câu nói của một đứa trẻ nhưng nó chứa đựng ý nghĩa Duyên khởi sâu xa trong đó. Thứ gì theo duyên mà hiện thì đều không thực, chỉ như mộng, huyễn, bào, ảnh. Thời gian không ra ngoài lệ ấy.    


[1] Đây chỉ là một ví dụ nói về cái chấp của người đời.  
[2] “Giai Điệu Bí Ẩn Và Con Người Đã Tạo Ra Vũ Trụ” của Trịnh Xuân Thuận.
[3] “Giai Điệu Bí Ẩn Và Con Người Đã Tạo Ra Vũ Trụ” của Trịnh Xuân Thuận.

Thứ Bảy, 15 tháng 10, 2011

Thuyền sen qua chốn bụi hồng



Con có chồng …
Đó là điều mẹ không nghĩ tới, cũng không phải là điều mẹ mong muốn. Bởi cuộc sống hôn nhân không như cuộc sống độc thân. Khỏe, con làm việc và vui chơi. Mệt, con xin nghỉ, vác ba lô lên tận Bà ná ngắm non nhìn núi. Con thoải mái và vô tư, không có gì để bận lòng.
Vậy mà …
Hai chữ nhân duyên! Một cái nhân được gieo, giờ đủ duyên nẩy mầm sinh quả. Một cái quả, bị chi phối bởi quá khứ và sẽ được tưới tẩm trong hiện đời. Vui hay buồn, hạnh phúc hay đau khổ, cũng tự mình mà ra ...
Niềm tin mang lại hạnh phúc
Mẹ lấy chồng hơn ba mươi năm. Đủ thứ mặn ngọt chua cay ở đời, không chỉ với đời mà cả với chồng. Người xưa nói, sống được với nhau nhất định có gì giống nhau, nhưng thời non trẻ, mẹ và cha hình như chẳng có thứ gì giống nhau. Mẹ lãng mạn ướt át. Cha thực tế khô khan. Mẹ muốn những ngày lễ, cha tặng mẹ một thứ gì đó thơ mộng, một nhành hoa, một quyển sách … nhưng cha thì không. Vì lễ một năm chỉ có vài lần, trong khi phải có một thứ gì đó cho mẹ khi cha về nhà, lại là thói quen muôn thuở của cha. Quà thì vô số nhưng thường thì một gói cốc, một miếng bánh mì, hay một bịt kẹo, cho phù hợp với một con người đơn giản và thực tế. Chắc cha nghĩ mẹ không thể nói yêu cha khi bụng kêu ột ột...
Suy tư cũng không như nhau. Mỗi lần có việc xảy ra, cha và mẹ nghịch nhiều hơn thuận. Thuận vợ thuận chồng tát bể đông cũng cạn. Nhưng thuận thì ít mà nghịch thì nhiều. Biển đông vẫn cứ mênh mông. Mẹ muốn để cái ghế bên này, cha lại muốn bên kia. Mẹ kỹ tánh, cha thì không. Đa phần thuận, là do một ổ bánh mì, cha thích ăn đầu này, mẹ thích ăn đầu kia, nhờ đó thành thuận.
Sống như thế không thể gọi là hạnh phúc. Đó nhất định không phải là tiêu chuẩn hạnh phúc của lớp trẻ tụi con bây giờ. Nhưng ai hỏi mẹ: “Mày lấy chồng có hạnh phúc không?” Mẹ luôn trả lời “có”. Không phải mẹ muốn che đậy. Mẹ nói một cách thực lòng. Nhưng lý do, phải đến giờ này, sau ba mươi năm, mẹ mới hiểu ra. Đó là niềm tin. Mẹ thấy hạnh phúc vì cha cho mẹ niềm tin. Không phải chỉ chuyện tình cảm mà cả trong việc tiền bạc.
Cái nhân mẹ gieo trong tiền kiếp khá vuông tròn, nên dù không đẹp, không khéo, ngang tàng, dữ tợn …cha vẫn chỉ mình mẹ mà thôi. Cha không yêu ai vì bản thân cha là thế, đạo đức và trách nhiệm. Cha nghĩ đến sự an vui của gia đình hơn là những vui thú của bản thân. Cha mạnh mẽ, nên không cần tìm chỗ tránh lũ khi bão về. Cha không phản bội, bởi tiền kiếp mẹ rất thủy chung. Còn mẹ, dù lắm thuận duyên và nhiều lãng mạn, vẫn không có ý rời cha nửa bước. Bởi cái nếp ông bà hun đúc cho mẹ ngày xưa hay từ lâu nữa, không để mẹ làm những gì chỉ vì ý thích riêng mình. Mẹ còn trách nhiệm bổn phận với cha. Mẹ còn tình thương với lũ con nhỏ. Mà tìm ở đâu một sự an tâm như ở với cha để mà thay đổi? Một phút buông lung, ngàn năm đọa lạc.
Giáo pháp Phật Đà…
Kịp đến cái lúc quả tốt hết duyên, nhân xấu như muốn nẩy mầm, giáo pháp Phật Đà xuất hiện. Xem ra duyên tốt của mẹ vẫn còn, giúp mẹ chuyển mình để mà …
Sư Hưng dạy mẹ: “Phật nói gia đình muốn có hạnh phúc, con phải phụ chồng chăm sóc lo toan trong ngoài. Thương yêu, chung thủy và biết tôn trọng lẫn nhau … ”. Phật nói giản đơn, nhưng ngẫm sự đời đâu có giản đơn. Mẹ cự: “Chồng con giỏi giang, nói con tôn trọng không có gì khó. Nói con chung thủy con sẽ thủy chung. Giả như chồng con bết bát, suốt ngày lang thang say xỉn rượu chè, mọi thứ lo toan mình con gánh chịu, hỏi còn tôn trọng nữa không? Con giun xéo lắm cũng quằn, huống là con người hả Sư, tôn trọng sao được”. Sư Hưng không nói gì thêm. Chỉ mẹ nửa đời nhọc nhằn để hiểu cho hết những gì mà Sư đã nói. Mềm người… gói gọn một câu: “Phải có lòng từ …”. Chỉ có lòng từ, mọi thứ mới yên. Chỉ có lòng từ, mới chuyển cái nhân không tốt hiện đời, nhân duyên gặp gỡ mới đổi vuông tròn, khổ ải mới vơi.
Mẹ chẳng dạy con những thứ hơn chồng vì đó.
Mẹ thấy an lòng khi con thuận lòng vui vẻ thuận chồng. Hơn chi một chút để mà tổn đức về sau. Cứng chi một chút để mà gãy đổ.
Hạn chế riêng tư để mà hòa hợp
Duyên phúc của con hiện tại phải nói đúng là phúc duyên. Khối người nhìn vào để mà mong muốn. Có người nói hôn nhân là kết quả của tình yêu, nhưng với mẹ, hôn nhân chỉ mới bắt đầu. Con đường phía sau ngắn dài chưa biết, vui buồn chưa hay... Bởi cuộc đời được đúc kết bằng những móc nhân duyên. Hoa nẩy mầm, do cái nhân gieo từ quá khứ. Hoa nở rộ, dài lâu, không thể thiếu sự chăm sóc hiện đời.
Saint Exupery nói: “Khi hai người yêu nhau, họ không nhìn nhau mà cùng nhìn về một hướng”. Yêu nhau thì nhìn cùng hướng, hay chính nhờ nhìn cùng một hướng mà thành yêu nhau? Vế nào cũng được. Duyên khởi, cho phép ta nhìn sự việc theo cả hai chiều bổ xung.
Cùng sở thích và suy nghĩ, con và chồng không phải đối mặt quay lưng, không phải rẽ ngang rẽ dọc theo những sở thích riêng mình. “Ngôi nhà hạnh phúc” không có quá nhiều hai chữ “cố lên” để mà mệt mỏi. Điều kiện đồng nghiệp thật là quá tốt để mà hòa hợp.
Nhưng mẹ và cha, sở thích không đồng, tư duy cũng khác. Không thể ngồi chung để coi tivi nói là chuyện khác. Mẹ thích xem phim, cha thích quần vợt. Nhưng rồi cũng xong. Hiểu biết khiến ta dễ dàng hạn chế mọi thứ riêng mình. Sở thích không phải là thứ bất di bất dịch để nó buộc ràng phá hoại hạnh phúc gia đình. Cái ngày còn trẻ, cha thích đá banh, mẹ đã theo cha hằng giờ. Cái thời mới về, mẹ ghét rượu chè, thuốc lào, bi da, cha bỏ ba lần mới xong. Bây giờ thì khỏe, tất cả sở thích đều hòa trong bể Phật pháp. Mẹ cha đã có cái chung để mà hòa hợp.
Thương cả đường đi lối về
Lấy chồng, không chỉ có chồng. Còn gia đình chồng.
Cha thương mẹ, mẹ ngang tàng ngúng nguẩy bao nhiêu cha cũng ừ. Mẹ muốn đi thì đi, mẹ muốn về thì về, không ai cấm cản được. Nhưng như thế là dại. Mọi thứ vô tình hằn đó để vơi thương yêu. Mệt mỏi rồi, tay có lúc phải buông. Thành ra thương chồng thì phải thương luôn thân thuộc của chồng. Mình thương thì người cũng thương. Thuận thảo hiếu hạnh không chỉ giữ cho quan hệ hiện đời tốt đẹp, mà là cái đức lớn nhất của mình, cho mình những duyên tốt đẹp về sau. Không phải bỗng dưng mà được cha chồng mẹ chồng thương yêu, không phải bỗng dưng mà làm điều gì cũng bị mẹ chồng ghét bỏ. Mọi thứ đều có nhân duyên. Không kiếp này thì từ kiếp trước. Cái nhân đều tự trong mình. Cứ y nơi mình mà chuyển. Kiếp này chẳng may không thuận thì mình cứ thuận để mà giải quyết cái quả không tốt về sau.
Thương yêu và tôn trọng     
Cuộc sống danh vọng tiền tài, ít ai suông sẻ. Lúc thăng lúc trầm. Có người khi trầm, một kẻ bỏ đi, gia đình tan rã. Có kẻ khi thăng, một người ham vui quên mất đường về, gia đình rã tan. Mẹ mong dù thăng dù trầm con vẫn cười vui bên chồng, đỡ đần khuya sớm. Cái tình luôn cần cái nghĩa. Cái nghĩa là cái giữ tình, là đức vun trồng cho phúc nở hoa. Người vợ khi cần có thể hóa thân thành bạn, có thể hóa thân thành mẹ. Mẹ chẳng bao giờ bỏ con. Me vẫn thương con dù con thế nào. Là chỗ tựa nương những phút yếu lòng... Hai chữ “tôn trọng” Sư Hưng đã nói, mẹ chợt nhận ra. Dù đúng dù sai, khuynh hướng ở đời là thiếu tôn trọng khi không vừa ý. Chỉ muốn chà đạp, vứt bỏ. Đó là cái nhân phá hoại quan hệ tình cảm rất nhiều. Nhưng xét cho cùng, vừa ý hay không duyên nghiệp cũng chính tự mình, không phải kiếp này thì từ kiếp trước. Hiểu nhân hiểu quả để mà giữ lòng. Trải rộng yêu thương để còn chuyển hóa.
Một công ty mỹ phẩm nổi tiếng, yêu cầu dân thành phố gởi những lá thư ngắn nói về người phụ nữ đẹp nhất mà họ đã biết, kèm theo bức chân dung của người phụ nữ.
Trong vài tuần, công ty nhận được hàng ngàn lá thư, trong đó có một lá thư gây sự chú ý. Họ trình lên giám đốc. Cậu bé viết: “Người phụ nữa đó ở cách nhà cháu một dãy phố. Cháu đến thăm bà mỗi ngày. Bà làm cháu thấy cháu là đứa quan trọng nhất trên đời. Bà chơi với cháu và lắng nghe những gì cháu nói. Bà hiểu cháu rất rõ. Và khi cháu ra về, bà luôn nói to lên rằng bà rất hãnh diện về cháu. Bà đúng là người phụ nữ đẹp nhất trên đời. Cháu hy vọng sau này sẽ có người vợ như thế”.
Bị hấp dẫn bởi lá thư, vị giám đốc muốn xem ngay chân dung người phụ nữ. Một người phụ nữ cười rất tươi nhưng răng đã không còn. Những nếp nhăn hằn sâu dường như lu mờ phần nào dưới vẻ đẹp của đôi mắt trong xanh. Ông nói: “Rất tiếc là ta không thể dùng chân dung của vị này để quảng cáo. Vì bà chứng tỏ cho mọi người thấy : Để trở thành người phụ nữ đẹp, chẳng cần đến những mỹ phẩm của công ty chúng ta”.
Tác giả câu chuyện trên, cuối cùng đã kết luận: “Các bạn ạ! Sắc đẹp nào rồi cũng tàn phai theo năm tháng. Mong là chúng ta biết trau truốt vẻ đẹp linh hồn để còn tô điểm cho đời. Hy vọng các bạn không trang điểm phần tâm linh bằng các loại mỹ phẩm mà bằng công việc bác ái, nụ cười cho tha nhân, tấm lòng rộng mở đối với người nghèo. Mong các bạn biết trân trọng vẻ đẹp thiêng liêng nơi mỗi tâm hồn. Nó sẽ tồn tại vĩnh viễn nơi chúng ta, không sợ hư nát, không sợ một loại hóa chất nào hủy hoại”.
Câu chuyện đơn giản nhưng nó nói lên sức mạnh của sự tôn trọng và lòng yêu thương tha nhân cần thiết thế nào. Trang trải tình thương cho kẻ bất hạnh, cân bằng yêu thương riêng tư … là những thứ mình không thể thiếu nếu muốn hạnh phúc.
Tỉnh giác với những nhân duyên trong đời                 
Khi mới yêu, mọi thứ nồng say. Cảm xúc dâng tràn khiến cho tâm hồn hưng phấn. Nhưng rồi thời gian qua đi, những thứ ban đầu không còn. Cảm xúc hưng phấn lắng diệu nhường chỗ cho sự yên ả, trách nhiệm, bổn phận ...
Cuộc sống không phải khi nào cũng xuôi.
Một phút bất đồng trong khi mệt mỏi không khéo cũng thành có chuyện.
Một chút riêng tư có khi không khéo cũng khiến chia xa.
Mà duyên của mình và chồng đâu phải chỉ là với nhau. Trôi lăn vạn đời, nhân duyên theo đó rất nhiều. Gia đình đổ vỡ chỉ vì không tỉnh khi gặp duyên mới. Cái duyên tưởng mới mà thật là cũ, ngủ ngầm đâu đó. Đủ duyên sinh khởi, cảm xúc hưng phấn ban đầu tưởng đã ngủ yên, giờ bỗng trổi dậy, mà quên đường về ...
Hạnh phúc gia đình không thể có kẻ thứ ba.
Mọi cảm xúc rồi sẽ qua đi…
Chỉ những gì mang giá trị đạo đức mới còn tồn lại. Nhưng sai lầm một khi đã phạm, có khi không trở lại được. Hối tiếc muộn rồi. Gia đình tan vỡ. Con cái khổ đau. Cái nhân phụ bạc đã gieo, thì dù tương lai có khéo, có tài, mình cũng phải nhận cái quả phụ bạc. Muốn được thủy chung, xin đừng gieo nhân hai lòng. Không gieo cái nhân hai lòng thì không bao giờ bị quả phụ phàng khổ đau.    
Không có sự việc nào không bắt nguồn từ những điều nhỏ nhặt. Cảnh giác được với những điều nhỏ nhặt thì việc lớn mới không xảy ra. Một ánh mắt đầm ấm, môt vài câu nói dí dỏm… nếu không tỉnh, sẽ là đầu mối của sự thay lòng. Người ta chết vì coi thường những điều nhỏ nhặt, vì cho rằng “Chỉ vui một chút mà thôi”. Có hiểu đâu, một chút lỏng lơi sầu khổ vạn đời. Chuyện nhỏ sinh ra chuyện lớn. Chuyện lớn sinh ra chuyện lớn nữa … Cứ thế và vương, như tằm làm kén, tự nhả tự trói, buộc mình.
Gieo duyên với Tam bảo
Lần đầu tiên, con gởi tiền cúng dường Tam bảo.
Đó là điều khiến mẹ rất vui. Gieo duyên với Tam bảo để còn nhận sự gia trì của Tam bảo. Trong đời, có những oan khiên mà không Tam bảo gia trì, mình không gỡ nỗi. Không phải để mong một sự ban phước xóa họa, mà để nhận được những gì mình cần phải hiểu và làm để có cuộc sống an vui. 
Cuộc đời thêm lắm khổ đau chỉ vì không đủ trí tuệ định tỉnh soi thấu vấn đề để biết mà lùi hay tiến, mà nhặt hay khoan ...
Có trí tuệ và định tỉnh, cũng có nghĩa là mình đang giúp thăng hoa phần “con” trong mình. Cái phần mà với đa số hiện nay, là thứ gần như quyết định hạnh phúc gia đình. Thật ra, không hẳn như vậy. Chỉ vì hiện nay, nó được đề cao khai thác quá mức cần thiết mà thành nhân tố quyết định. Tệ nạn, tội ác hiện nay cũng đều bắt nguồn từ “dục” mà ra. Cần phải thăng hóa để còn làm người …  
Có niềm tin với Tam bảo, gieo duyên với Tam bảo, là bước đầu giúp ta cân bằng và thăng hóa phần con của mình và người.           
Thuyền sen qua chốn bụi hồng mới không trắc trở long đong…
Thuyền nan một chiếc cỏn con
Đưa ta qua bến qua bờ yêu thương
Hỏi em em muốn gì không
Ư à, em muốn thuyền con ngược dòng
Đưa em khỏi chốn bụi hồng
Cùng ai lên cõi sen hồng thương yêu

Chủ Nhật, 7 tháng 8, 2011

Chắp cánh cho con





 Mẹ sinh con ra nhưng khi con còn rất nhỏ, mẹ lại không có điều kiện để chăm sóc con. Mọi thứ đều phải nhờ vào bà ngoại và mấy dì.
Việc ấy khiến giữa con và mẹ luôn có khoảng cách. Con không thể nói với mẹ về những gì con muốn nói, cũng không mấy chịu lắng nghe về những gì cần lắng nghe. Khi mẹ hỏi một điều gì đó, con không trả lời. Con đối với mẹ hơn cả người dưng nước lã. Nhưng mẹ vẫn bình thường. Mẹ vẫn làm những gì mẹ có thể làm, bù cho những ngày mẹ đã bỏ lỡ trước đây.
Mẹ hiểu những trái nghịch đó là do những ngày con còn nhỏ, những ngày con và mẹ có thể gần nhau để mối quan hệ trở thành tốt đẹp cho lúc trưởng thành, mẹ đã không tận dụng được nó. Mẹ đã để nó trôi qua trong công việc. Mẹ không hối hận mà chỉ rút kinh nghiệm. Mẹ cần làm thêm những việc phước thiện trong đời để kiếp sau, nếu có làm người, mẹ không bị trói trong cái duyên phải lăn lộn kiếm tiền, đến mức không có thời gian lo cho con cái.
Còn một điều nữa khiến mẹ không dám khởi tâm buồn rầu hay tức giận, là do Phật nói trong kinh Đại Thừa Bản Sanh Tâm Địa Quán rằng: “Nếu nam nữ nào bội ân không thuận, khiến cha mẹ sinh niệm ai oán mà phát lời ác, thì con liền theo đó mà đọa, có khi rơi vào địa ngục, ngạ quỉ, súc sinh. Sự mau chóng ở thế gian không gi bằng gió mạnh. Biểu hiện của ai oán cũng nhanh như thế. Tất cả Như Lai cho đến tiên nhân dù có ngũ thông đều không thể cứu”. Địa ngục không ở đâu xa, chỉ cần nằm một chỗ, sống không được chết không xong với những đau khổ trong lòng, đủ để thấy địa ngục hiện tiền. Sống trong sự thèm khát mà thức ăn không thể qua họng, không khác gì kiếp quỉ đói. Rất nhiều thứ để mẹ thấy, không đợi phải chết mới có thể thay hình đổi dạng. Mọi thứ đều có thể xảy ra trong hiện tại. Thời mà xe cộ đụng nhau rầm rầm như hiện nay, thức ăn thức uống đầy dẫy chất độc… dễ giúp mình thay đổi hình hài theo nghiệp mau chóng vô cùng. Mẹ không muốn vì những sự buồn phiền ai oán của mình mà sinh ra những điều không hay cho con. 
Cái may mắn của mẹ là dù không có bàn tay của mẹ, con vẫn học hành trưởng thành trong vòng tay thương yêu của bà và mấy dì.
Ừ, con nói đúng. Trong công việc làm ăn, không cần phải lo lắng làm gì khi mình có đủ phước đức. Mẹ đồng ý với con quan điểm đó. Không có gì bằng phước đức. Có phước đức thì mọi thứ sẽ trôi chảy. Vấn đề là mình đã đủ phước đức chưa?
Chỉ mang tiền cúng chùa thôi thì chưa đủ. Con có biết cái đức lớn nhất của con người là gì không? Hiếu hạnh. Đức Phật nói: “Cung kính cúng dường cho 100 đại Bà la môn tu tịnh hạnh, 100 đại thần tiên có ngũ thông, 100 thiện hữu v.v… nhất tâm cúng dường như thế mãn đến ngàn kiếp, không bằng một niệm trụ tâm hiếu thuận, dùng chút sắc vật cúng dường bi mẫu, tùy thời cung phụng hầu hạ”. Không có công đức cúng dường nào bằng công đức hiếu thuận. Vì cha mẹ là hai vị Phật trong nhà. Nhưng ngày nay giới trẻ lại ít quan tâm và xem thường, cho đó là chuyện thường tình ở thế gian.
Quá khứ mẹ không chăm sóc con, không dạy con những điều cần thiết, nên giờ mẹ không có tâm đòi hỏi ở con bất cứ điều gì. Dù mệt mỏi thế nào mẹ vẫn làm mọi thứ cho con để bù vào những ngày mẹ không chăm sóc con. Không cần con phải dọn phòng, chỉ cần con đừng xả thêm, là mẹ đã phải đỡ nhọc rất nhiều. Không cần con phải dọn tủ quần áo, chỉ cần con đừng xáo là mẹ cũng đỡ đi phần sức bỏ ra. Mẹ đã nói thế với con rất nhiều nhưng con vẫn vung vãi mọi thứ. Con xốc tung đồ ra, mẹ dọn. Con lại xốc tung đồ ra, mẹ lại dọn. Vấn đề không phải nằm ở sức khỏe hay con không có thời gian mà ở ý thức. Con ít quan tâm đến sức lực người khác đã bỏ ra cho con thế nào. Chỉ đưa tiền ra bố thí hay cúng dường thì con có thể giàu có, nhưng đó chỉ mới ở mặt phước, còn mặt đức thì chưa. Cái đức được thể hiện qua tình cảm và hành động của mình đối với tha nhân, không phải chỉ trong gia đình mà cả với người chung quanh. Có những chuyện riêng tư mà mình cần chu toàn, không nên để ảnh hưởng đến người khác, con vẫn chưa làm được. Mẹ nói ra không phải vì trách con, chỉ là muốn để con hiểu, sống như thế chưa thể gọi là đủ đức để có thể vung tay thoải mái với mọi thứ như con nghĩ. Mẹ không muốn con hiểu lầm về những gì mình đang làm. Đến khi quả tốt không ra, con lại mất niềm tin với nhân quả.
Ngày xưa mẹ đi buôn không có vốn. Mỗi đợt tàu đi mẹ phải vay mượn đưa đi để khi tàu về mẹ có ít lời. Một đợt, mẹ chạy khắp nơi, không ai cho mượn. Vừa tủi mình vừa tức người. Nhưng đợt đó tàu có đi mà không về. Mọi người đều trắng tay, chỉ mình mẹ là không. Mẹ đã nhận ra rằng: “Thứ mình tưởng xấu chưa chắc đã xấu, thứ mình nghĩ tốt chưa chắc đã tốt. Có khi, việc người không tốt với mình lại là cái phước cho mình”. Thành với mẹ bây giờ, mượn vốn được cũng tốt, không mượn vốn được cũng tốt. Nhưng nếu con thấy việc ấy cần phải dốc hết sức để làm thì cứ làm, mẹ không ngăn cản, nhưng phải bằng tâm lực thuyết phục, không phải bằng những lời xúc phạm. Dùng lời lẽ xúc phạm để thỏa mãn tâm ý của mình chứng tỏ con chưa đủ năng lực để làm việc lớn. Mọi điều kiện thuận lợi cho con hiện nay chưa chắc đã tốt cho con. 
Đã biết nói mọi việc đều từ phước đức mà ra thì khi có việc thất bại, mình cần soi lại con người mình, không thể hướng ra ngoài trách người. Mình cần xem lại thái độ và cách sống của mình hiện nay, từ lời nói, cách xử sự, cung cách làm ăn của mình đã gây được niềm tin với người chưa? Nếu chưa thì cần phải sửa đổi. Mình đã đủ mềm mại uyển chuyển để có sức thuyết phục người chưa? Chưa, thì cần phải mềm mại và uyển chuyển hơn nữa. Trong cuộc sống này không có gì dễ dãi. Mọi thứ đều phải đổi bằng công sức và lòng nhẫn nại của mình. Công sức và lòng nhẫn nại của con, nếu bản chất của nó là phước thiện, phù hợp với những gì Phật dạy, thì kết quả thành công sẽ được mỹ mãn dài lâu, không phải chỉ ở kiếp này mà còn là nhân tốt cho những kiếp sau. Nếu bản chất của nó không mang tính phước thiện, đi ngược với lời Phật dạy, thì thành công nếu có cũng không bền vững, lại là nhân xấu cho những kiếp sau này. Nếu đã hết mình mà kết quả vẫn không vừa lòng, thì con cần nhủ: “Việc đó chưa hẳn là xấu với mình”. Không nên trách người.
“Đức” không chỉ nằm ở mặt tiền bạc cho đi mà ở cách sống của mình, ở trách nhiệm của mình đối với gia đình và xã hội, ở sự quan tâm của mình đối với mọi người chung quanh. Con mang tiền cúng chùa cho nhiều mà với nhân viên của mình con không quan tâm đến đời sống của họ, con bóp chẹt đồng lương của họ rồi mang đi cúng chùa thì việc đó Phật không dạy. Mọi thứ cần phải hài hòa để cái phước của mình đi liền với cái đức. Phước đức đầy đủ thì cuộc sống của mình và người mới hạnh phúc. Người mà khổ thì mình chẳng thể vui. Dù tiền bạc có vào thật nhiều, rồi cũng ra đi nhanh chóng không bằng cách này thì cách khác. Mọi cái quả ở thế gian này, không phải chỉ có nhân là đủ mà còn lệ thuộc vào duyên. Con gieo cái nhân giàu sang mà lại tạo thêm những nhân bất thiện khác, thì ít nhiều gì quả kia cũng bị ảnh hưởng. Không thể đầy đủ và trọn vẹn như ý mình muốn.
Khi đức Phật còn ở nước Xá Vệ trong vườn cấp Cô Độc, một thanh niên đã đến và hỏi Phật rằng: “Người tại gia chúng con nên thực hành những việc gì để cuộc sống được an ổn và vui vẻ trong hiện tại?”. Phật đã dạy: Có 4 việc khiến cuộc sống được an ổn và vui vẻ trong hiện tại.
1/ Có phương tiện nuôi thân như làm ruộng, buôn bán, làm quan, viết sách, kế toán, hội họa v.v… Với nghề nghiệp đã có thì siêng năng trau dồi.
2/ Tiền kiếm được đúng pháp rồi thì khéo gìn giữ không để mất mát.
3/ Tiền tài kiếm được, cần biết chi thu cân đối, không thể thu ít mà chi nhiều, cũng không nên thu nhiều mà chi quá ít. Nếu không có mà chi nhiều, tiêu dùng phung phí, là kẻ tham dục không biết nghĩ đến ngày mai. Nếu tiền của đầy ắp mà không dám tiêu dùng thì trở thành kẻ bỏn xẻn, không nên. Thu chi biết chừng mực điều hòa thì cuộc sống an hòa vui vẻ.
4/ Sống chừng mực, không buông lung, không giả dối, không hung hiểm v.v… Người như vậy, với những buồn khổ chưa sinh, có thể ngăn ngừa khiến không sinh ; buồn khổ nào đã sinh, có thể tỉnh sáng cởi bỏ ; những an vui nào chưa sinh, có thể làm nó chóng sinh ; an vui nào đã sinh, có thể khiến nó không mất.
Đó là những gì mà Phật đã dạy để một người bình thường có cuộc sống hạnh phúc an vui trong hiện tại. Việc đó không phải khó đối với người đã có nếp sống quân bình. Khi con có ý thức trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội, con tự trở thành kẻ sống chừng mực, không hung hiểm, không giả dối. Con có thể tự làm chủ bản thân không khó. Nhưng với người đã quen làm biếng, sống buông lung theo tham dục của riêng mình thì mọi thứ không phải dễ dàng. Vấn đề là … vì sao có kẻ biết sống chừng mực, có kẻ lại không. Vì hiện tại bị chi phối bởi những nhân của quá khứ, như tương lại bị chi phối bởi những nhân ở hiện tại. Quá khứ đã qua đi, không thể làm gì. Chỉ còn hiện tại và tương lai, nên Phật dạy thêm 4 việc cần làm trong hiện tại, để tương lai có thể được an vui. Thực hành được chúng, chính là đang củng cố nhân cách cho chính mình để thời hiện tại ở tương lai, mình có thể sống chừng mực, không buông lung v.v… Đời sống theo đó mà an vui hạnh phúc. 4 việc đó là:
1/ Có niềm tin kính đối với Như Lai. Không bị tà ma ngoại đạo phá hoại.
2/ Có giới hạnh đầy đủ, là không sát sinh, trộm cắp, nói dối, tà dâm và uống rượu.
3/ Bố thí đầy đủ, là tâm luôn hành bố thí. Thường tự tay mang cho, vui mừng tu hạnh thí xả.
4/ Phải có trí tuệ đầy đủ, là phải biết như thật về khổ, tập, diệt, đạo.  
Việc đầu tiên là phải có niềm tin đối với Như Lai. Tin Như Lai là tin những gì Như Lai đã nói. Những gì Như Lai nói không phải từ trên trời rơi xuống, chỉ là giúp chúng ta ý thức hơn về những gì đang xảy ra quanh mình không thông qua cảm xúc và những lăng kiến chủ quan. Nếu con chịu khó tham cứu Phật pháp rồi dùng đó quán sát chiêm nghiệm thì sẽ không mấy khó để con tin Như Lai. Và niềm tin sẽ được củng cố nếu con chịu ứng dụng Phật pháp dài lâu vào đời sống của mình.
Cũng không mấy khó để con tin theo tà ma ngoại đạo (Mẹ muốn nói đến những loại giáo điều mà nhân không đúng với quả, không đưa con người đến chỗ lương thiện) khi tham dục, sân hận và si ám chất đầy trong người con. Vì thế, có 5 việc mà con phải nương theo. Đó là 5 giới mà một phật tử tại gia đã thọ khi qui y. Thọ để mà giữ, không phải thọ để … yên tâm, để được quỉ thần hộ trợ. Không ai có thể hộ trì cho con khi con đã phạm vào cái nhân bất thiện mà không có tâm muốn sửa đổi. Giữ được nhiều thì đời sống an vui nhiều, họa tai ít. Không giữ được thì đầy đủ thần lực như chư Phật cũng bó tay.
Ngày nay từ “bố thí” hay được hiểu theo nghĩa cho chác pha sự khinh miệt. Thật ra, bố thí chỉ mang nghĩa “tặng cho”. Bố thí hay cúng dường là cái nhân của sung túc. Sung túc, là điều ai cũng cần trong cuộc sống này. Ngoại trừ thánh nhân, còn lại sung túc là một trong các duyên khiến mọi người thấy an vui. Bố thí theo cách Phật đã dạy, còn là cái nhân khiến mọi nhân duyên trong đời được tốt đẹp. Mình có những mối quan hệ tốt đẹp trong cuộc đời này, một phần nhờ vào cái nhân bố thí trong quá khứ. Bố thí còn khiến lòng mình mở rộng, người vui, mình vui. Rất nhiều sự tốt đẹp trong thế giới này bắt nguồn từ cái nhân bố thí. Vì thế, Phật dạy chúng sinh bố thí. Bố thí cho người và cúng dường cho Tam bảo.
Cúng dường cho Tam bảo là nhân duyên rất tốt để chúng ta gieo duyên với Phật pháp. Biết Phật pháp, ứng dụng được Phật pháp vào đời sống của mình, với cái nhìn của mẹ, đó là phước báu lớn nhất mà mẹ nhận được trong cuộc đời này.
Cuối cùng là phải có trí tuệ. Trí tuệ Phật nói đây không phải là sự thông thái hay bằng cấp cao, cũng không phải là cái trí có được do học thật giỏi. Nó là cái trí thấy được nguồn gốc của khổ và làm thế nào để không khổ. Phật nói “Biết như thật”, là con phải thấy nó hiện diện ngay trong đời sống của con, không phải chỉ trên sách vở. Con sẽ hỏi mẹ cần thấy những thứ đó để làm gì khi con không khổ? Phải thấy được điều đó, theo đó mà sống thì mới dám chắc hiện tại và tương lai mình không khổ. Còn không, chưa khổ rồi sẽ khổ, khổ rồi càng khổ thêm.
Chỉ bốn từ “Khổ, tập, diệt, đạo” nhưng nó xuyên suốt mọi thứ  trong đời sống của mình.
Rượu, là thứ Phật khuyên mọi người không nên uống, trở thành giới cấm của người phật tử. Có khi mình thọ giới rồi mà không hiểu vì sao Phật lại đặt ra giới đó. Rượu, tác hại của nó trong hiện đời thì ai cũng thấy. Rượu vào lời ra, chân đá tay đấm. Vừa rồi đây, thầy Hiệu trưởng của một trường Tiểu học đã giết chết hai người bạn là giáo viên cùng trường trong một bữa nhậu. Rượu, một khi mình đã đam mê nó, thì ngoài tác dụng nguy hại trong hiện đời,  quả báo của nó không ở ba đường dữ thì cũng là điên loạn. Phật nói “điên loạn”, Bồ tác Long Thọ nói “điên trần truồng”. Điên mà không biết mình điên gọi là điên trần truồng. Nhìn thế gian không đúng với bản chất thật của nó rồi theo đó mà sống, là một dạng của điên trần truồng. Ngày nay thế giới đảo điên, tai ương hoạn nạn ngày càng nhiều, là do cái điên trần truồng này đây.
Rượu tác hại như thế nhưng vì sao vẫn có người chui vào? Chui vào rồi muốn ra, lại không thể ra? Là do “Tập”. Tập, là sự tích tụ, là thói quen. Khi mình uống, mình nghĩ sẽ làm chủ bản thân, không để xảy ra tinh trạng nguy hại như thế. Uống chút chút chơi thôi, hại gì! Nhưng mình không biết một điều: Thân tâm mình có tính huân tập. Thứ gì được tích tụ ngày một ít sẽ có lực dẫn mình theo nó. Rượu mỗi ngày uống một ít, sẽ tích tụ thành thói quen. Khi nó được tích tụ ở một mức nào đó, nó làm chủ mình chứ mình không còn làm chủ nó. Đến cơn, chỉ có rượu là thượng đế. Đánh vợ giết con, trở thành không nhân tính vì uống rượu đã thành thói quen. Mình không còn là mình. Chỉ làm sao thỏa mãn những con sâu đang rúc rĩa trong thân, mà chỉ có rượu vào mới làm nó tạm yên.
Hiểu về “Tập”, con cũng sẽ hiểu không có tật xấu nào không thể bỏ. Quan trọng là con có ý thức, quyết tâm và nhẫn lực để bỏ hay không. Người ta nói xì ke ma túy không thể bỏ, có bỏ cũng nghiện lại. Chẳng qua vì mình chưa có phương pháp đúng đắn sau khi cai nghiện mà thôi. Nếu hiểu về “Tập”, mình sẽ có thái độ cẩn thận với những gì từng là thói quen của mình. Ý thức rồi, mình phải quyết tâm tránh tới cùng, bằng công việc và bằng những vui chơi lành mạnh. Mọi thứ cần có thời gian để cái “Tập” trong mình tróc gốc. “Tập” hết rồi thì duyên của tập ấy không còn tác động sai khiến mình được nữa.
Giới trẻ của con ngày nay không hiểu về “Tập” và “Khổ” v.v… nên dễ mất mình cho những thói quen. Bị thói quen mang tính tham dục chi phối thì đầu óc không còn tỉnh sáng. Những thứ đáng làm không làm. Những thứ không đáng làm lại làm. Kết quả là khổ đau. Khi khổ đau lại huỷ hoại bản thân …   

Những gì con đối với mẹ, mẹ không thấy phiền lòng, vì mẹ tin vào nhân quả. Phật nói không có quả xấu nào mà không có nhân, nhân ấy từ mình mà ra. Những gì mẹ đã tạo ra, mẹ không thể sửa đổi khi nó đã ra quả. Nhưng mẹ có thể biến những cái quả ấy thành những bài học quí giá cho mình. Nó giúp mẹ vững vàng hơn với những bất như ý trong cuộc sống. Nếu mẹ bình thản được với những điều không vui cũng có nghĩa là nhẫn lực của mẹ thêm vững vàng. Và nếu mẹ có thể biến những bất hạnh đó thành những bài học để tự hoàn chỉnh bản thân, cũng có nghĩa là mẹ không có tâm niệm ai oán với con. Nghịch duyên không khiến quả xấu xuất hiện mà đã biến thành công đức cho mình và người. Nương nhờ công đức đó, nguyện cho mẹ con mình đều chuyển tâm hướng thiện, thấy được những gì cần làm và những gì không nên làm, để thế giới của mình được an vui. Cũng mang công đức đó cúng dường mười phương chư Phật, hồi hướng về mười phương pháp giới, nguyện cho những mối nghịch duyên trở thành bạn bè quyến thuộc trong pháp giới Hoa Nghiêm.